Hoạt động giao dịch ký quỹ tạo ra những cơ hội tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp sử dụng tốt công cụ này nhằm có được lợi nhuận khổng lồ từ TTCK. Vậy thực chất giao dịch ký quỹ là gì? NĐT có nên sử dụng giao dịch này không? Dưới đây là những hiểu biết của mình về giao dịch ký quỹ.
1. Giao dịch ký quỹ là gì?
Giao dịch ký quỹ (margin – hay còn gọi là đòn bẩy tài chính) là hình thức vay tiền của công ty chứng khoán (CTCK) thông qua việc thế chấp, cầm cố tài sản đảm bảo của bạn.
Tài sản đảm bảo: là toàn bộ tài sản có trong tài khoản chứng khoán của bạn bao gồm tiền mặt, chứng khoán hiện có và/hoặc đang chờ về, cổ tức đang chờ về; quyền mua cổ phiếu và những tài sản đảm bảo khác được CTCK chấp nhận.
Tùy từng cổ phiếu và tùy theo chất lượng của cổ phiếu mà CTCK cho bạn vay nhiều hay ít. Những cổ phiếu có vốn hóa lớn (VN30) hoặc những cổ phiếu có tính thanh khoản cao (dễ mua, dễ bán) thường là những cổ phiếu mà CTCK cho thế chấp với giá trị cao nhất. Với những cố phiếu tốt nhất trên thị trường hiện nay thì Ủy ban chứng khoán nhà nước chỉ cho phép CTCK cho NĐT vay với tỷ lệ là 50%, tức là NĐT có thể sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tối đa là 1:2. Tuy nhiên một số CTCK có thể lách luật cho phép NĐT sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao lên tới 1:3 hay thậm chí là 1:4 khi NĐT mua những cổ phiếu tốt mà CTCK có thể kiểm soát được rủi ro.
Lãi suất vay ký quỹ rơi vào khoảng 0,038-0,04% số tiền vay/ngày tức là khoảng 14%/năm.
Đặc điểm của lãi suất vay ký quỹ:
- Lãi được tính là lãi đơn
- Lãi được tạm giữ vào cuối mỗi ngày giao dịch và cộng dồn lũy kế cho đến cuối tháng.
- Lãi được cắt vào ngày làm việc cuối cùng của tháng.
- Cuối tháng, nếu khoản lãi này không được thanh toán thì sẽ được cộng gộp vào thành khoản dư nợ vay.
Tỷ lệ nợ (TLN): Là tỷ lệ phần trăm (%) giữa Tổng dư nợ vay/Tổng giá trị được phép cho vay của chứng khoán ký quỹ.
Tỷ lệ ký quỹ: Là tỷ lện phần trăm (%) giữa (Giá thị trường của tài sản giao dịch – Số tiền vay)/Giá thị trường của tài sản
Trong đó: (Giá thị trường của tài sản giao dịch – Số tiền vay) chính là giá trị tài sản của khách hàng.
Ví dụ: Bạn có 100 triệu thì CTCK có thể cho phép bạn mua đến 200 triệu (tỷ lệ đòn bẩy 1:2 hay tỷ lệ margin 50%). Tức là bạn được CTCK cho vay 100 triệu và tỷ lệ nợ khi đó là 100%.
Bạn muốn được giao dịch ký quỹ thì bạn cần phải ký hợp đồng giao dịch ký quỹ với CTCK.
Call margin là gì?
Call margin là thông báo của CTCK gửi khách hàng đề nghị khách hàng nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định.
CTCK quy định tỷ lệ call margin đối với từng loại chứng khoán. Tỷ lệ thông dụng thường được áp dụng là 30%. Điều này có nghĩa là nếu chứng khoán giảm giá làm cho số tiền ký quỹ giảm xuống nhỏ hơn 30% tổng giá trị chứng khoán, CTCK sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tiền để nâng tỷ lệ ký quỹ lên trên 30%.
Ví dụ: Một loại chứng khoán A được CTCK quy định tỷ lệ call margin là 30%. Bạn có 50 triệu đồng và đặt lệnh mua chứng khoán A này với tổng giá trị là 100 triệu đồng. Số tiền bạn vay CTCK để thực hiện giao dịch sẽ là 50 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế của giao dịch bằng 50/100 = 50%.
Giả sử chứng khoán bạn mua bị giảm giá 40%, tổng giá trị chứng khoán còn lại bằng 60% x 100 triệu = 60 triệu đồng. Tiền của bạn do đó bị giảm xuống và bằng 60 tr – 50 tr = 10 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế lúc này bằng 10/60 = 16,7%.
Trong trường hợp này, CTCK sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tối thiểu 11,5 triệu đồng để nâng tỷ lệ kỹ quỹ thực tế lên mức bằng (10+11,5)/(10+11,5+50) = 30%.
Xem thêm:
- Large caps là gì? Những điều cần biết khi đầu tư vào Large caps.
- Hướng dẫn mở tài khoản Chứng khoán từ xa tại HSC
2. Nhà đầu tư có nên sử dụng giao dịch ký quỹ không?
Giao dịch ký quỹ có thể sẽ giúp nhà đầu tư tăng thêm lợi nhuận một các nhanh chóng nhưng nó cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Rủi ro ở chỗ, khi bạn tăng thêm tỷ lệ vay, chuyện lãi/lỗ 5 ăn 5 thua nhưng chắc chắn là mất thêm tiền phí, mất tiền trả lãi, mất đi tỷ lệ an toàn trên cơ cấu tài sản và đặc biệt khi thua lỗ bạn sẽ mất cao hơn rất nhiều so với bình thường. Vì vậy việc sử dụng dịch vụ này nên áp dụng thận trọng trong từng giai đoạn cụ thể và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, biết quản trị rủi ro tốt. Còn đối với những người mới chơi thì theo mình nghĩ không nên sử dụng dịch vụ này. Sau đây mình xin đưa ra một vài lý do:
Thứ nhất: Khi sử dụng margin thì đồng nghĩa với việc áp lực phải chịu sẽ tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần từ đó sẽ dẫn đến những quyết định không chính xác.
Thứ hai: Lãi suất margin là khoảng 14%/năm. Giả sử nếu bạn đầu tư có lãi 16%/năm thì còn không hiệu quả bằng việc bạn gửi tiết kiệm.
Thứ ba: Việc cháy tài khoản một cách nhanh chóng (mất hết tiền). Nếu bạn sử dụng margin với tỉ lệ 1:2 nếu cổ phiếu của bạn giảm 5%. Tức là tài khoản của bạn đang bị lỗ 10%. Cộng với lãi vay và các loại phí giao dịch. Tài khoản của bạn sẽ âm nhiều hơn 10%. Với nhà đầu tư mới khả năng kiểm soát rủi ro và quản lý danh mục kém, Đức Hùng khuyến nghị NĐT không nên sử dụng margin. Đồng thời việc sử dụng margin trong thị trường đi xuống là vô cùng rủi ro, khi 2/3 cổ phiếu trên cả thị trường giảm điểm, lúc này xác suất cổ phiếu của bạn giảm điểm sẽ cao. Khi đó, bạn không nên sử dụng margin.
Thứ tư: Rủi ro đến từ chính sách Margin của một số CTCK. Khi một cổ phiếu tăng mạnh hoặc khi một cổ phiếu bất ngờ có tin xấu, CTCK sẽ siết margin không cho vay nữa để tránh rủi ro. Một khi cầu đã không đáp ứng đủ cung thì tất yếu dẫn đến việc cổ phiếu sẽ giảm mạnh từ đỉnh xuống. Những nhà đầu tư không bán kịp, tỷ lệ nợ vượt cam kết sẽ bị các CTCK call margin bằng hai cách để đảm bảo tỷ lệ nợ:
- Một là nộp thêm tiền vào TKCK;
- Hai là bán chứng khoán ra.
Lưu ý: những Công ty có KQKD 6 tháng có lợi nhuận âm hoặc chậm nộp thuế nhà nước sẽ bị cắt margin, khi đó các nhà đầu tư sử dụng margin sẽ buộc phải bán cổ phiểu để hạ hết margin. Lúc đó, lực bán của các cổ phiếu tăng mạnh, cổ phiếu giảm giá.
Ví dụ: Tháng 7/2017, PVD ra báo cáo kết quả hoạt động quý 2/2017 cơ lợi nhuận âm, cuối tháng 8 – PVD bị cắt margin. Điều này làm cổ phiếu giảm mạnh từ vùng giá 15 – 13 nghìn đồng/CP, nguyên nhân:
- Một số tài khoản đột ngột bị cắt margin buộc phải bán ra để duy trì tỷ lệ nợ 0% đối với cổ phiếu PVD
- PVD không hút thêm được lượng cầu mới từ việc sử dụng margin.
Thứ năm: NĐT cũng đã quen dần với margin và từ chỗ quen có thể tiến đến sử dụng nhiều hơn, rủi ro vào một ngày nào đó xuất hiện một cách thiếu kiểm soát, tai họa sẽ khôn lường/tăng cao.
Cuối cùng, Đức Hùng xin tổng kết lại về margin như sau:
- Giao dịch ký quỹ (margin) là hình thức vay tiền của công ty chứng khoán (CTCK) để đầu tư thông qua việc thế chấp, cầm cố tài sản đảm bảo.
- Việc dùng margin sẽ giúp bạn gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng khi cổ phiếu tăng giá nhưng cũng làm cho tài sản của nhà đầu tư mất đi nhanh chóng khi cổ phiếu giảm giá.
- Nhà đầu tư mới chưa nên sử dụng dịch vụ này. Nếu sau này bạn đầu tư thành công với lợi suất cao hơn hẳn thị trường chung thì mới tính đến vấn đề này.
Hy vọng bài viết này, Đức Hùng đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích nhất về giao dịch ký quỹ. Chúc các bạn thành công!
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Nguyễn Đức Hùng – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: (+84) 968 231 294
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: dautuphatdat@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/