I. Masan và Thương vụ với SK
CTCP Tập đoàn Masan (MSN – Khả quan) thông báo gần đây rằng công ty sẽ bán toàn bộ 109 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Group – một trong những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc. SK Group sẽ trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của MSN với 9,5% cổ phần. Và tập đoàn này cũng có quyền cử đại diện trong HĐQT của Masan Group. Rõ ràng chiến lược của SK Group không chỉ nằm ở việc hợp tác.
Thương vụ với SK sẽ sớm được thực hiện – Thông tin chi tiết như sau;
– Tổng số cổ phiếu quỹ dự kiến bán – 109.899.932 cổ phiếu.
– Mục đích bán cổ phiếu quỹ – cơ cấu lại nguồn vốn
– Phương thức giao dịch: khớp lệnh hoặc thỏa thuận
– Thời gian dự kiến giao dịch – Từ ngày 1/10 đến ngày 30/10/2018.
– Nguyên tắc xác định giá: Giá đặt bán ≥ Giá tham chiếu – (giá tham chiếu * 50% biên độ giao dịch giá cổ phiếu).
– Giá bán – 100.000đ/cp
– Khối lượng giao dịch hàng ngày: không hạn chế về khối lượng đối với giao dịch thông qua phương thức thỏa thuận.
Vào tháng 11/2017, Masan đã mua lại 100,7 triệu cổ phiếu với giá 58.352 đồng/cp, tăng số lượng cổ phiếu quỹ lên 109,9 triệu cổ phiếu.
SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc – Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến viễn thông, logistic và dịch vụ. Với giá mua là 100.000đ/cp, SK Group sẽ đầu tư 11 nghìn tỷ đồng, hay 470 triệu USD để mua cổ phiếu của Masan. Khi đó, SK Group sẽ nắm 9,5% cổ phần tại MSN và có quyền cử một đại diện trong HĐQT của MSN.
MSN sẽ sử dụng phần lớn tiền thu về từ bán cổ phiếu quỹ để trả nợ – Với cơ cấu tài chính lành mạnh, sau thương vụ này Masan dự kiến sẽ có thêm 50 triệu USD vào lợi nhuận thuần cho cả năm 2019 và giảm tỷ lệ nợ/ EBITDA xuống 2,5 lần vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ/ EBITDA vào cuối năm 2017 của MSN là 3,7 lần, trong khi đó HSC ước tính tỷ lệ này là 3,3 lần vào cuối năm 2018 trước khi bán cổ phiếu quỹ.
HSC dự báo lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh (HĐSXKD) năm 2018 tăng trưởng 59,5% – Chúng tôi dự báo doanh thu thuần tăng trưởng 10,9% lên 41.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ từ hoạt động kinh doanh sau khi điều chỉnh khoản lợi nhuận không thường xuyên trong năm ngoái và năm nay đạt 3.596 tỷ đồng (tăng trưởng 52,5%). Tuy nhiên chúng tôi đang xem xét lại dự báo này và có lẽ sẽ sớm điều chỉnh giảm dự báo do triển vọng của chúng tôi dành cho MNS vẫn hơi lạc quan một chút. Chúng tôi sẽ sớm cập nhật dự báo sau khi có trao đổi với công ty. Hiện những giả định chính hiện nay của chúng tôi cho từng ngành kinh doanh là như sau:
- Doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 17.290 tỷ đồng (tăng trưởng 24,1%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.662 tỷ đồng (tăng trưởng 130,2%). Masan Consumer đã hoàn thành tái cơ cấu mô hình kinh doanh và số ngày tồn kho tại đơn vị phân phối đã giảm về mức thông thường trong ngành. Công ty cũng có kế hoạch giới thiệu nhiều sản phẩm mới rất ấn tượng trong năm 2018 và sản phẩm mới đưa ra thị trường cho đến nay đã thể hiện hiệu quả tốt trên kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.
- Doanh thu thuần của Masan Nutri Science dự báo đạt 16.995 tỷ đồng (giảm 9,1%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 283 tỷ đồng (giảm 54%).
- Doanh thu thuần của Masan Resources đạt 7.875 tỷ đồng (tăng trưởng 45,7%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.030 tỷ đồng (tăng trưởng 400%) nhờ hợp nhất toàn bộ lợi nhuận của NHTCM từ Q4 như đề cập trên đây.
Với những giả định trên, chúng tôi dự báo EPS (dựa trên lợi nhuận thuần từ HĐSXKD) năm 2018 là 3.433đ, P/E dự phóng là 26,8 lần.
Cho năm 2019, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần từ HĐSXKD sẽ tăng trưởng 23,6% – Trong năm sau, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 45.261 tỷ đồng (tăng trưởng 8,5%) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.445 tỷ đồng (giảm 12,2%). Không tính lợi nhuận không thường xuyên trong năm 2018 thì lợi nhuận thuần từ HĐSXKD năm 2019 tăng trưởng 20%. Dưới đây là những giả định chủ chốt của chúng tôi:
- Doanh thu thuần của Masan Consumer Holding đạt 18.392 tỷ đồng (tăng trưởng 9,3%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 3.094 tỷ đồng (tăng trưởng 16,2%).
- Doanh thu thuần của Masan Nutri Science đạt 18.524 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 504 tỷ đồng (tăng trưởng 54%).
- Doanh thu thuần của Masan Resources đạt 8.344 tỷ đồng (tăng trưởng 5,9%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.204 tỷ đồng (tăng trưởng 16,8%).
EPS dự phóng đạt 3.822đ. Chúng tôi giả định MSN sẽ bán toàn bộ 109.899.932 cổ phiếu quỹ trong năm 2018, từ đó số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng 10,43% lên 1.163.149.488 cổ phiếu. Tại thị giá hiện tại, P/E dự phóng của cổ phiếu MSN là 24,1 lần.
Việc lựa chọn SK làm đối tác sẽ giúp MSN tăng trưởng và thực hiện hoạt động M&A trong tương lai – Việc lựa chọn SK làm đối tác nhằm giúp phát triển các mảng kinh doanh của MSN sẽ tạo ra sự cộng hưởng cho ngành kinh doanh hiện tại, đồng thời SK cũng là một đối tác tiềm năng có tiềm lực tài chính mạnh tạo điều kiện cho hoạt động M&A trong tương lai. SK Group là người mua tiềm năng của sản phẩm tungsten và fluorspar để phục vụ mảng sản xuất chất bán dẫn. Và SK có thể sử dụng mảng logistic để phân phối thịt cho Masan trên thị trường Trung Quốc trong tương lai.
Masan đã có lịch sử thực hiện các thương vụ giống như trên với các NĐT tài chính & NĐT chiến lược lớn. Gần đây nhất vào năm ngoái, KKR & Co. đã đầu tư 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science. Và theo thương vụ này thì công ty con chế biến thịt của MSN được định giá khoảng 2 tỷ USD.
Sản phẩm thịt tươi đóng gói dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong Q4 – sự kiện lớn trong nửa cuối năm là sản phẩm thịt tươi đóng gói sẽ được tung ra thị trường trong nước trong Q4. Thị trường thịt ước tính có giá trị 9 tỷ USD/năm và MSN kỳ vọng đến năm 2022 giành được 5% thị phần. Công ty sẽ bán sản phẩm thịt tươi đóng gói qua kênh phân phối truyền thống chẳng hạn như chợ hàng hóa tươi sống vốn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn kênh phân phối hiện đại.
Masan tập trung giảm nợ do chi phí lãi vay tăng – tại thời điểm cuối tháng 6/2018, MSN có tổng nợ là 34.733 tỷ đồng với cơ cấu như sau:
- 8.105 tỷ đồng nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả trong năm nay bằng tiền đồng.
- 1.102 tỷ đồng nợ dài hạn bằng tiền đồng (không tính phần đến hạn trả trong năm nay).
- 26.449 tỷ đồng trái phiếu.
Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,58 lần. Nợ của MSN đạt mức cao nhất vào năm 2016 với tổng nợ khi đó lên đến 41.090 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm. Như vậy từ đó đến nay MSN đã giảm được 15,5% nợ. HSC ước tính với thương vụ trên, MSN có thể giảm tiếp khoảng 22% nợ xuống còn 31.6% nợ xuống còn khoảng 23,733 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.
Masan bắt đầu tập trung trở lại vào mảng hàng tiêu dùng chủ chốt – Chúng tôi dự báo động lực tăng trưởng sẽ đến từ một số nguồn doanh thu trong mảng hàng tiêu dùng và sự hình thành chuỗi phát triển protein động vật toàn diện
- Chúng tôi dự báo doanh thu từ bia sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp năm 23,9% trong 3 năm tới. Masan đang nỗ lực mở rộng thị phần thông qua các lễ hội bia nhằm tăng cường nhận diện sản phẩm từ người tiêu dùng. Thị phần tại TPHCM tăng giúp củng cố vị thế sản phẩm ở thị trường này. Các sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp cũng giúp tăng độ phủ sóng của sản phẩm.
- Chúng tôi dự báo doanh thu từ nước uống tăng lực sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp năm là 23,2% trong 3 năm tới. Mở rộng phân phối dòng sản phẩm nước tăng lực có cà phê, là sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận giúp duy trì tăng trưởng ở mức độ cao trong vài năm tới.
- Chúng tôi dự báo doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tăng trưởng trung bình gộp năm là 9,5% trong 3 năm tới. Mặc dù giá thịt lợn giảm mạnh dẫn đến nhu cầu đối với thức ăn chăn nuôi cũng suy yếu do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ ngừng mở rộng đàn lợn, Masan đã tận dụng thực tế này để gia tăng thị phần. Bằng cách tung ra các sản phẩm có giá cả bình dân, Masan đã tạo nên sự xâm nhập lớn và sẽ tiếp tục gia tăng thị phần hơn nữa trong vài năm tới.
- Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn từ dòng sản phẩm thịt lợn tươi sạch có thương hiệu dự kiến tung ra vào cuối năm nay. Phân khúc thị trường này tại Việt Nam có giá trị tới 9 tỷ USD và hoàn toàn áp đảo bởi các sản phẩm không có thương hiệu với xuất xứ không rõ ràng. Thông qua chiến dịch quảng bá trên các kênh thương mại truyền thống mà chủ chốt là thông qua các chợ hàng hóa tươi sống, Masan dự kiến sẽ giành được thị phần đáng kể. Công ty sẽ sử dụng hệ thống các cửa hàng để xây dựng thương hiệu và hoạt động như cơ sở lưu trữ và từ đó phân phối đến các quầy thịt.
Thị trường đang đánh giá lại MSN sau sự cải thiện của KQKD và công ty tích cực tiếp cận NĐT – Giá cổ phiếu đã tăng 15,5% từ đầu năm nhờ KQKD 6 tháng khả quan và triển vọng tăng trưởng trở lại của mảng kinh doanh cốt lõi là hàng tiêu dùng.
Sau một kỳ kinh doanh không tốt vào 6 tháng đầu năm 2017, KQKD đã tăng trở lại và công ty tiến hành tái cấu trúc hệ thống chi nhánh của mảng hàng tiêu dùng. Cùng với đó là những nỗ lực tích cực tiếp cận các NĐT tài chính. Công ty tỏ ra tự tin với câu chuyện tăng trưởng của mình và mong muốn bày tỏ tiềm năng đó. Và có lẽ điều quan trọng hơn là để lắng nghe những lo ngại của NĐT. KQKD đã bắt đầu cho thấy sự cải thiện. Trong khi đó công ty cũng tập trung trở lại vào mảng hàng tiêu dùng chủ chốt và chiến lược này được đón nhận tích cực. Sản phẩm thịt tươi sống có thương hiệu dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay và đây sẽ là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự xâm nhập của công ty vào phân khúc hàng tiêu dùng có quy mô lớn nhưng còn phân mảnh này. Quá trình thực hiện sẽ khó khăn và tỷ suất lợi nhuận ở mảng này thấp hơn ở những mảng khác, tuy nhiên lợi thế khi giành được thị phần lớn sẽ đem lại nguồn lợi nhuận tiềm năng khổng lồ trong vài năm tới.
II. Quan điểm đầu tư
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu MSN là 102.182đ, tương đương P/E dự phóng 2019 là 26,7 lần và EV/EBITDA là 12,3 lần.HSC dự báo lợi nhuận hoạt động thuần sẽ tăng trưởng 59,5% trong năm 2018 và tiếp đó tăng trưởng 23,9% trong năm 2019. Thương vụ này nằm trong dự báo sau khi công ty đã có công bố gần đây và sẽ đem lại những giá trị tiềm năng cho MSN trong tương lai. Công ty sẽ sử dụng phần lớn số tiền thu về từ bán cổ phiếu quỹ, là 470 triệu USD để trả nợ.Quá trình tái cơ cấu mảng hàng tiêu dùng đã cho thấy kết quả tốt từ Q4 năm ngoái trong khi mảng khai thác tài nguyên hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán cộng với hiệu quả hoạt động được cải thiện. Cuộc khủng hoảng giá thịt lợn có vẻ đã chấm dứt và mảng thức ăn cho heo có cơ hội hồi phục trong 6 tháng cuối năm nay và năm sau. Nhờ vậy, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của MSN sẽ quay lại mức tăng trưởng bình thường là 10-20% kể từ năm sau. Triển vọng dài hạn của mô hình 3F của Masan Nutri Science có nhiều hứa hẹn.
Nguồn: HSC