Trong bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu định nghĩa cơ bản cũng như tầm quan trọng của PTKT trong đầu tư chứng khoán. Chúng ta cũng đã biết muốn tiến hành PTKT thì trước tiên cần phải hiểu về đồ thị giá (price chart) của cổ phiếu. Trên thực tế chúng ta có rất nhiều loại đồ thị được sử dụng trong PTKT, tiêu biểu là đồ thị dạng đường (Line chart), dạng then chắn (Bar chart) và dạng nến (Candlestick chart). Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về cách đọc biểu đồ nến nhật – loại hình đồ thị được sử dụng phổ biến nhất trong PTKT ngày nay.
Cách đọc biểu đồ nến Nhật
Về lịch sử ra đời thì loại đồ thị này đã xuất hiện từ những năm 1600, được người Nhật tạo ra nhằm phân tích giá cả của những hợp đồng mua bán gạo (bởi vậy mà đồ thị này còn được gọi là đồ thị nến Nhật Bản). Mô hình này có ưu điểm là nó thể hiện đầy đủ 4 mức giá được coi là đáng chú ý nhất trong một phiên giao dịch gồm: giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất của phiên đó.
Thành phần cơ bản tạo nên một mô hình là các cây nến. Mỗi cây nến thể hiện môt kỳ (có thể là 1 phút, 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần… tùy vào loại mô hình mà ta lựa chọn (Ví dụ trong mô hình ngày thì mỗi nến đại diện cho 1 ngày giao dịch, trong mô hình nến tuần thì mỗi nến đại diện cho 1 tuần giao dịch). Cấu tạo của 1 cây nến có thể hiểu như sau:
- Giá cao nhất trong phiên được gọi là bóng trên (upper shadow), giá thấp nhất trong phiên được gọi là bóng dưới (lower shadow).
- Màu sắc của nến sẽ tùy thuộc vào tương quan giữa giá mở cửa và đóng cửa. Nếu giá mở cửa nhỏ hơn thì nến sẽ có màu xanh, nếu giá mở cửa lớn hơn nến sẽ có màu đỏ.
- Đôi khi trong một số biểu đồ nến xanh lá cây sẽ được thay bằng nến trắng, nến đỏ sẽ được thay bằng nến đên. Màu sắc tuy thay đổi nhưng ý nghĩa, vai trò của các yếu tố tạo nên cây nến thì không thay đổi.
- Thân nến dài thể hiện sức mua hoặc bán mạnh. Thân nến càng dài, thì áp lực mua hoặc bán càng mạnh. Điều này có nghĩa là người bán (nến đen) hoặc người mua (nến trắng) đang có vị thế mạnh hơn và chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại thân nến ngắn thể hiện hoạt động mua bán ít sôi nổi.
Xem thêm: Đồ thị nến Nhật Bản là gì? Cách sử dụng đồ thị nến Nhật Bản trong đầu tư Chứng khoán
Bây giờ chúng ta sẽ đến với những hình dạng nến phổ biến thường xuất hiện trong biểu đồ và cách đọc biểu đồ nến Nhật thông qua bảng sau:
1. Spinning Tops
Mô tả: Nến có bóng ở trên và dưới dài, cùng phần cơ thể thật nhỏ. Màu sắc của phần cơ thể thật không thực sự quan trọng
Ý nghĩa: Phần thân nến nhỏ cho thấy giá đóng cửa và giá mở cửa không cách nhau xa, và phần bóng cho thấy người mua và người bán đã chiến đấu khốc liệt nhưng bất phân thắng bại. Mặc dù giá mở cửa và giá đóng cửa không cách nhau xa, nhưng dao động giá lại mạnh thể hiện ở bóng dài.
Nếu spinning tops hình thành trong quá trình thị trường đang đi lên, điều này thường có nghĩa rằng không còn nhiều người mua và một sự thay đổi chiều của thị trường có thể xảy ra.
Nếu spinning tops hình thành trong quá trình thị trường đang đi xuống, điều này thường có nghĩa rằng không còn nhiều người bán và một sự thay đổi chiều của thị trường có thể xảy ra
2. Marubozu
Mô tả: Cây nến không có bóng nến, giá mở của và đóng cửa trùng với giá cao nhất và thấp nhất.
Ý nghĩa: Một nến trắng Marubozu là một nến rất “bullish” hay thể hiện xu hướng đi lên mạnh mẽ, người mua hoàn toàn chiếm vị thế so với những người bán. Đây thường là thời điểm bắt đầu của một xu hướng đi lên của thị trường.
Một nến đen Marubozu là một nến rất “bearish” hay thể hiện xu hướng đi xuống mạnh mẽ, người bán hoàn toàn chiếm ưu thế so với người mua. Đây thường là thời điểm bắt đầu của một xu hướng đi xuống của thị trường.
3. Doji
Mô tả: Nến Doji có giá đóng cửa và giá mở cửa như nhau hoặc ít nhất là phần cơ thể cực kỳ ngắn. Thân nến rất ngắn trong như một đường thắng.
Ý nghĩa: Nếu một Doji hình thành sau một loạt nến với phần thân màu trắng dài (xu hướng đang đi lên), điều đó có nghĩa rằng người mua đã mệt mỏi và yếu đi. Để đẩy giá lên cao nữa, sẽ cần thêm nhiều người mua, nhưng số lượng người mua đang giảm nhanh. Người bán đang rình rập để quay trở lại thị trường và đẩy giá đi xuống.
Nếu Doji hình thành sau một loạt các nến với phần thân dài màu đen (xu hướng đang đi xuống), thì có nghĩa rằng người bán đã đã hết sức lực, và không còn nhiều người bán trên thị trường. Người mua đang chờ cơ hội để chiếm lại vị thế của mình trên thị trường và đẩy giá đi lên.
4. Hammer và Hanging Man
Mô tả: Nến có phần bóng phía dưới dài gấp đôi hoặc gấp ba phần cơ thể, có rất ít hoặc không có bóng trên, màu sắc của phần cơ thể không quan trọng.
Ý nghĩa: Hammer đánh dấu sự đổi chiều thành đi lên hình thành sau một quá trình thị trường đi xuống (xem hình). Nó được gọi là “búa” vì thị trường “phá vỡ” một điểm đáy.Khi giá đang giảm xuống, hammer đưa ra tín hiệu rằng thị trường đã chạm đáy và giá sẽ tăng trở lại. Phần bóng ở dưới dài có nghĩa rằng những người bán đã cố gắng đẩy giá đi xuống, nhưng người mua đã vượt qua áp lực bán này và giá đóng cửa gần với giá mở cửa.
Hanging Man có hình dạng tương tự nhưng màu sắc và ý nghĩa ngược lại với nến Hammer.
5. Inverted Hammer và Shooting Star
Mô tả: Inverted Hammer và Shooting Star nhìn giống nhau, và chỉ khác ở chỗ chúng xuất hiện ở cuối một xu hướng đi lên hay đi xuống. Cả hai loại nến này đều có thân nhỏ, phần bóng trên dài và phần bóng dưới rất ngắn.
Ý nghĩa: Inverted Hammer xuất hiện khi giá đang trong quá trình đi xuống, và đưa ra tín hiệu rằng thị trường có thể đổi chiều. Phần bóng ở trên dài cho thấy người mua đang cố gắng đưa ra giá cao hơn. Người ban phản ứng quyết liệt nhưng không đủ sức để đầy giá xuống thấp và giá đóng cửa gần với giá mở cửa. Người bán đang cạn kiệt dần và giá sẽ đi lên.
Shooting Star xuất hiện khi giá đang trong quá trình đi lên và đưa ra tín hiệu rằng thị trường có thể đổi chiều. Phần bóng ở trên dài cho thấy người mua đã cố gắng đưa giá cao lên, nhưng người bán đã nhiều hơn và đẩy giá đi xuống, khiến giá đóng cửa gần với giá mở cửa.
Khi nhiều cây nến kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo ra những mô hình nến. Các mô hình này về cơ bản có thể giúp chúng ta dự đoán các tín hiệu đảo chiều xu hướng hoặc sự tiếp diễn của xu thê hiện tại. Có rất nhiều loại mô hình tuy nhiên không phải mô hình nào trong quá trình kểm định thực tế cũng cho độ tin cậy cao. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về một số mô hình có độ tin cậy cao nhất, qua đó nhận biết được xu thế sắp tới của giá cổ phiếu để từ đó ra quyết định đầu tư phù hợp.
Xem thêm: Ý nghĩa các mô hình nến Nhật mà nhà đầu tư nào cũng cần phải biết (Phần 2)
Nguyễn Đức Hùng – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: (+84) 968 231 294
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: dautuphatdat@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/