Kumo là trái tim và linh hồn của hệ thống Ichimoku, cho phép ta gần như ngay lập tức có thể thấy được một bức tranh toàn cảnh về xu hướng của thị trường và mối quan hệ giữa giá với xu hướng đó.
Kumo cũng là một thành phần độc đáo nhất trong hệ thống Ichimoku, vì nó cung cấp một cái nhìn đa chiều về các mức hỗ trợ và kháng cự trong một khu vực mở rộng; trái ngược với các hệ thống khác, nơi các mức hỗ trợ và kháng cự chỉ đơn thuần là một điểm duy nhất trên biểu đồ.
Xem thêm: Hướng dẫn phân tích kỹ thuật: Tổng quan về đồ thị Ichimoku Kinko Hyo phần I
Kumo được cấu thành bởi 2 đường là Senkou Span A và Senkou Span B, trong đó mỗi đường lại cung cấp cho ta một cái nhìn bao quát về sự cân bằng giá cũng như các cấp độ hỗ trợ và kháng cự trong một thời gian dài.
Kumo – một vùng không gian mà khi giá lọt vào trong nó (nơi mức giá cân bằng – thị trường gần như không có xu hướng rõ ràng) có thể làm cho hành động giá không thể đoán trước được, giống như khi ta đi vào những cung đường mây mù bao phủ. Việc giao dịch trong vùng này là rất mạo hiểm.
1. Hỗ trợ và kháng cự
Như đã nói ở trên, một trong những tính năng rất độc đáo của Kumo là cung cấp các mức hỗ trợ và kháng cự đáng tin cậy hơn so với những hệ thống khác. Như có thể thấy trong biểu đồ dưới đây của cổ phiếu PVD, nơi giá đã tìm đến các mức hỗ trợ lẫn kháng cự 4 lần nhưng vẫn không thể phá vỡ được trong khoảng thời gian khoảng 30 ngày.
Sức mạnh của Kumo trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta so sánh các mức hỗ trợ và kháng cự truyền thống (trendline) với các mức hỗ trợ và kháng cự được cho bởi Kumo.
Trong biểu đồ dưới đây, tôi đã vẽ một DownTrend truyền thống màu đỏ và một kháng cự truyền thống màu xanh dương. Khi giá phá vỡ và đóng cửa trên 2 đường này (Breakout), Nhiều nhà đầu tư giao dịch theo trường phái Breakout nhiều khả năng sẽ đặt MUA ngay tại đây. Nhưng những Trader sử dụng Ichimoku sẽ nhìn vào vị trí của giá ngay mép dưới của Kumo và dễ dàng nhận ra rằng, sẽ là cực kỳ mạo hiểm cho một lệnh MUA tại vị trí này – một vị trí mà giá đã gặp phải một kháng cự mạnh từ Kumo.
Thật vậy, sau phiên Breakout giá đã chạm mép dưới của mây Kumo sau đó quay đầu bật ngược trở lại và lao xuống. Trong biểu đồ cổ phiếu HCM sau khi chạm mây ở giá 28.7 đã lao thẳng xuống giá 25.8. Đối với những nhà đầu tư có tài khoản nhỏ thì đây sẽ là một thất bại khá nặng nề. Do đó, đối với những nhà đầu tư sử dụng Ichimoku họ sẽ chưa vội tham gia mua cổ phiếu HCM lúc này, thậm chí khí xuyên được qua Span A vào trong mây thì họ sẽ đứng ngoài và chờ đợi một cơ hội tốt hơn khi xu hướng thực sự rõ ràng.
2. Mối quan hệ giữa giá và Kumo
Về cơ bản :
Giá trên Kumo (giá hiện tại cao hơn mức giá trung bình trong quá khứ ) => giá có thể tăng
Giá dưới Kumo (giá hiện tại thấp hơn mức giá trung bình trong quá khứ ) => giá có thể giảm
Giá trong Kumo => thị trường không có xu hướng rõ ràng / sideway trong biên độ Kumo.
Nhà đầu tư không nên thực hiện bất kỳ một giao dịch nào vào lúc này, mà hãy chờ đợi cho đến khi giá đóng cửa trên hoặc dưới Kumo.
Xem thêm: Đồ thị nến Nhật Bản là gì? Cách sử dụng đồ thị nến Nhật Bản trong đầu tư Chứng khoán
3. Quan hệ giữa Senkou Span A & Senkou Span B của Kumo
Kumo được tạo thành từ 2 đường Senkou Span A và Senkou Span B, do vậy, ngoài mối quan hệ giữa giá và Kumo, tự bên trong Kumo còn một mối quan hệ khác nữa là quan hệ giữa 2 đường cấu thành nên nó:
Nếu Senkou A nằm trên Senkou B (Mây màu xanh): giá có thể tăng
Nếu Senkou A nằm dưới Senkou B (Mây màu cam): giá có thể giảm
Nếu Senkou A và Senkou B hoán đổi vị trí cho nhau => xu hướng cũng có thể thay đổi.
4. Mức độ dày hay mỏng của Kumo
Khi nghiên cứu về Ichimoku, bạn sẽ thấy độ dày mỏng của Kumo có thể thay đổi liên tục. Thể hiện một thị trường, một cổ phiếu đang ổn định hay có sự bất ổn về giá trong lịch sử. Khi giá biến động mạnh trong quá khứ Kumo sẽ dày hơn, ngược lại khi Kumo mỏng thể hiện sự ổn định về giá, ít biến động. Do đó Kumo là thước đo của sự biến động giá.
Mặt khác, Kumo càng dày sẽ cho các mức hỗ trợ và kháng cự càng vững chắc.
Đây là một tính chất đặc biệt hữu ích của Kumo, để từ đó, các nhà đầu tư có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý rủi ro, xác định các mức cản cũng như các mục tiêu dừng lỗ, chốt lời dựa vào 2 biên của Kumo.
5. Kumo phẳng (Flat Top/Bottom Kumo)
Phẳng trên hoặc phẳng dưới ( flat top/bottom ) là hiện tượng thường được quan sát ở Kumo. Cũng giống như “hiệu ứng dây thun” mà một Flat Kijun Sen có thể gây ra với giá, một Flat Senkou Span B cũng có tính chất tương tự. Điều này là bởi vì Senkou Span B chính là đường trung bình của giá cao nhất và thấp nhất qua 52 thời kỳ – nơi mức giá cân bằng.
Giá luôn luôn có khuynh hướng tìm cách quay trở lại trạng thái cân bằng, Flat Senkou Span B đại diện cho một lực hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút giá về gần nó hơn.
Trong một xu hướng tăng, việc Senkou Span B flat sẽ dẫn đến một flat bottom Kumo. Ngược lại, trong một xu hướng giảm, việc Senkou Span B flat sẽ dẫn đến một flat top Kumo. Điều này sẽ rất có ích cho các nhà đầu tư giúp họ có thể dự đoán được xu thế giá sắp tới để có thể xác định điểm vào hợp lý.
Công cụ phân tích kỹ thuật Ichimoku là công cụ phân tích đầu tư chứng khoán hiệu quả, nhưng để sử dụng thành thục nhà đầu tư cần nghiên cứu chuyên sâu. Nhà đầu tư muốn tìm hiểu có thể liên lạc với Duy Nghĩa theo địa chỉ.
- Phạm Duy Nghĩa – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
- Điện thoại / Zalo / Viber: 090 411 6979
- Fanpage: https://www.facebook.com/chungkhoanonline.vn/
- Email: duynghiachungkhoan@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/