Tổng quan ngành
Ngành săm lốp Việt Nam năm 2015 ước đạt giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm. Phân khúc săm lốp cho ô tô chiếm đến 50% giá trị thị trường, săm lốp xe máy chiếm 42% và xe đạp chỉ chiếm 8%. Phân khúc săm lốp cho xe đạp và xe máy đã đi vào giai đoạn bão hòa với ít tiềm năng tăng trưởng, trong khi đó phân khúc săm lốp ô tô đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhờ tiêu thụ xe ô tô tăng trưởng tốt.
Ngành sản xuất săm lốp Việt Nam đang có sự phân hóa tương đối rõ ràng giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa, cũng như sự phân hóa về phân khúc sản phẩm. Trong khi, radial hóa là xu hướng tất yếu, tại thị trường phát triển tỷ lệ sử dụng radial trên 90%, thì tỷ lệ ở Việt Nam thấp, chỉ có 2 doanh nghiệp nội địa là CSM và DRC đang áp dụng nhưng với công suất rất nhỏ so với các doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nội địa đang nhường phân khúc có dư địa tăng trưởng cao nhất này cho các doanh nghiệp FDI và sản phẩm nhập khẩu. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh trong ngành săm lốp tương đối cao, chủ yếu đến từ săm lốp Trung Quốc và sản phẩm của các doanh nghiệp FDI. Áp lực cạnh tranh này khiến các doanh nghiệp nội địa phải giảm giá bán, tăng chiết khấu trong những năm gần đây vì vậy ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp. Ngoài ra, năng lực tự chủ nguyền nguyên liệu của ngành săm lốp trong nước còn thấp nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá và lãi suất. Cao su là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng 53% chi phí đầu vào và được tận dụng nguồn cung dồi dào trong nước; ngược lại các nguyên liệu khác đều được nhập khẩu từ nước ngoài (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan).
Phân tích cạnh tranh – mô hình 5 áp lực cạnh tranh
– Thách thức từ đối thủ mới gia nhập ngành (6/10): Rào cản lớn nhất là ngành đòi hỏi vốn lớn để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và chuyên môn cao.
– Áp lực từ nhà cung cấp (8/10): Áp lực từ NCC tương đối lớn vì ngành đòi hỏi máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại và phụ thuộc mạnh nguồn nguyên liệu (cao su) cả trong nước và nhập khẩu.
– Áp lực từ khách hàng (8/10): Nhu cầu của KH tiếp tục tăng tốt, đặc biệt là phân khúc săm lốp xe ô tô; đồng thời đòi hỏi của KH cũng sẽ cao hơn về chất lượng, giá cả.
– Áp lực từ sản phẩm thay thế (0/10): Không có sản phẩm thay thế.
– Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành (8/10): Áp lực cạnh tranh lớn chủ yếu là bởi các DN nước ngoài cùng ngành và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Triển vọng ngành
Giá trị thị trường ngành săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 8%/năm trong giai đoạn 2015-2020 chủ yếu nhờ vào 2 phân khúc xe máy và ô tô
1) Dự báo doanh số bán xe máy tăng ổn định 3 triệu chiếc/năm và tới năm 2020 số xe máy sẽ đạt 60 triệu xe, tăng hơn 30% so với mức 45 triệu xe năm 2016;
2) Kể từ 2018, thuế nhập khẩu ô tô con nguyên chiếc từ các nước ASEAN được giảm về 0% sẽ kích thích tiêu thụ nội địa.
Triển vọng dài hạn: Phân khúc săm lốp ô tô sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của toàn ngành nhờ vào tốc độ tăng trưởng tiêu thụ xe ô tô trung bình 22,6%/năm trong giai đoạn 2018-2025 dựa vào các yếu tố
1) Tỷ lệ sở hữu xe ô tô trong dân cư còn thấp;
2) Dân số trẻ và thu nhập ngày càng được cải thiện và
3) Chính Phủ thể hiện quyết tâm thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu cũng ngày càng gia tăng, chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc khi
1) Thuế nhập khẩu săm lốp cho các nước khu vực ASEAN sẽ giảm về bằng 0%;
2) Trung Quốc đang chịu mức thuế chống bán phá giá tại nhiều thị trường như Mỹ, khả năng sắp tới là EU và Brazil, do vậy các nhà sản xuất săm lốp Trung Quốc đang có xu hướng tăng đầu tư và nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của ngành sẽ dần được cải thiện khi giá cao su được kỳ vọng có thể giữ được sự ổn định, ở mức thấp cho tới giai đoạn 2025-2030, điều này được hỗ trợ bởi việc giá dầu thô cũng được dự báo có ít khả năng tăng mạnh.
Tình hình tài chính các doanh nghiệp trong ngành
Hiện tại, cả nước có 38 doanh nghiệp sản xuất săm lốp, trong đó có 11 doanh nghiệp FDI. Trong các doanh nghiệp sản xuất nội địa, 3 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất đồng thời là 3 doanh nghiệp niêm yết là CSM, DRC, SRC. Các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào tái chế, gia công tái đắp ốp xe.
Tình hình kinh doanh của ngành đang gặp khó khăn trong những năm gần đây 2016-2017, do vậy doanh thu tăng trưởng ở mức thấp, và biên lợi nhuận gộp giảm dần vì áp lực cạnh tranh nội ngành và từ hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Do đặc trưng ngành là cần đầu tư tài sản cố định lớn nên các doanh nghiệp trong ngành hiện đang duy trì tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao, trong đó CSM cao nhất 2.27x. Tỷ lệ sử dụng nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp tương đồng, các doanh nghiệp thường duy trì khoảng 60% nợ ngắn hạn để phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động do đặc thù cần duy trì lượng hàng tồn kho lớn. Có thể thấy tỷ suất sinh lời ROE và ROA tỷ lệ nghịch với việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Quan điểm đầu tư: Không khả quan
Triển vọng ngành săm lốp được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng 8%/năm giai đoạn 2015-2020. Lốp xe ô tô sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành săm lốp VN trong dài hạn, nhờ vào nhu cầu tiêu thụ xe ô tô còn nhiều dư địa tăng trưởng cùng với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Chính Phủ.
Ngoài ra, năng lực tự chủ nguyền nguyên liệu của ngành săm lốp trong nước còn thấp nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá và lãi suất. Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu ngày càng gia tăng, chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc khi
1) Thuế nhập khẩu săm lốp cho các nước khu vực ASEAN sẽ giảm về bằng 0%;
2)Trung Quốc đang chịu mức thuế chống bán phá giá tại nhiều thị trường như Mỹ, sắp tới là EU và
Brazil, do vậy các nhà sản xuất săm lốp Trung Quốc đang có xu hướng tăng đầu tư và nhập khẩu vào
Việt Nam.
Triển vọng ngành nhìn chung khả quan hơn trong trung hạn, tuy nhiên chỉ thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ radial. Các doanh nghiệp nội địa đang nhường phân khúc có dư địa tăng trưởng cao nhất này cho các doanh nghiệp FDI và sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay cũng đã có kế hoạch thoái vốn khỏi các doanh nghiệp DRC, CSM và SRC của Vinachem từ mức 51%.
Nguồn: HSC