I. Nhận định về kết quả kinh doanh
FPT công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm rất khả quan và sát kỳ vọng. Triển vọng tương lai vẫn tích cực.
Doanh thu mảng gia công phần mềm tiếp tục tăng mạnh – Doanh thu mảng gia công phần mềm đạt 5.903 tỷ đồng (tăng 34,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng (tăng 33,6% so với cùng kỳ). Thị trường Nhật Bản tiếp tục là động lực chính góp phần vào sự tăng trưởng với doanh thu từ thị trường này đạt 3.343 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ), đóng góp 57% vào tổng doanh thu.
Mảng dịch vụ dựa trên dự án tăng trưởng ấn tượng từ mức thấp cùng kỳ và nhờ ghi nhận một số hợp đồng chuyển qua từ năm ngoái – Doanh thu mảng dịch vụ dựa trên dự án đạt 2.932 tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 107 tỷ đồng (tăng 83,4% so với cùng kỳ) nhờ ghi nhận một số hợp đồng mà đáng ra đã được ghi nhận trong 2017. Do đó thực tế không có bất kỳ thay đổi căn bản nào trong mảng này. Tổng giá trị hợp đồng ký được trong 9 tháng đầu năm 2018 là 2.642 tỷ đồng (giảm 34% so với cùng kỳ).
Mảng dịch vụ viễn thông cũng tăng trưởng doanh thu tốt – Mảng này báo đạt doanh thu 6.107 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 907 tỷ đồng (tăng 23,2% so với cùng kỳ).
- Doanh thu từ dịch vụ kết nối băng thông rộng đối với cá nhân và hộ gia đình tăng khá, tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 3.971 tỷ đồng, chủ yếu nhờ số lượng thuê bao tăng.
- Trong khi đó các dịch vụ viễn thông không băng thông khác, bao gồm đường truyền riêng, voice, trung tâm dữ liệu và dịch vụ IPTV cũng đạt kết quả tốt với doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 2.190 tỷ đồng. Trong đó dịch vụ IPTV đóng góp chính vào tăng trưởng.
Mảng quảng cáo trực tuyến tăng trưởng khá – Doanh thu mảng quảng cáo trực tuyến đạt 379 tỷ đồng (tăng 1,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 217 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ).
Mảng phân phối và bán lẻ đóng góp 281 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế – Synnex FPT và FPT Retail đóng góp 281 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của FPT trong 9 tháng đầu năm, tăng 23% so với cùng kỳ. lợi nhuận trước thuế của FRT tăng 26% so với cùng kỳ còn Synnex FPT tăng khoảng 21% so với cùng kỳ.
HSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2018 sẽ giảm 15,4% so với năm 2017 – Cho năm 2018, chúng tôi dự báo FPT sẽ đạt doanh thu cả năm là 21,97 nghìn tỷ đồng (giảm 48,5%) do trong năm 2018 trong kết quả kinh doanh của FPT không còn hợp nhất FPT Trading và FPT Retail. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 2.447 tỷ đồng giảm 15,4% do trong năm 2017 công ty đã ghi nhận một khoản lợi nhuận không thường xuyên 1.120 tỷ đồng từ bán cổ phần tại FPT Trading và FPT Retail. Sau thoái vốn, FPT chỉ còn nắm giữ 48% cổ phần của FPT Trading và 47% cổ phần của FPT Retail. Theo đó, doanh thu từ 2 công ty con này không còn hợp nhất vào kết quả kinh doanh của FPT trong năm 2018, còn đóng góp lợi nhuận từ 2 công ty này được hạch toán vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với phần sở hữu của FPT.
- Chúng tôi giả định doanh thu của mảng gia công phần mềm sẽ tăng trưởng 33,9% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 33,0% – Cho năm 2018, theo mô hình lợi nhuận của mình, chúng tôi dự báo mảng gia công phần mềm tăng trưởng 33,9% doanh thu và tăng trưởng 33,0% lợi nhuận trước thuế nhờ mở rộng hoạt động tại Hàn Quốc, là thị trường có nhu cầu lớn đối với dịch vụ gia công phần mềm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô.
- Doanh thu mảng dịch vụ dựa trên dự án bao gồm tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT dự báo tăng trưởng 3,1% với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 173,3%. Doanh thu tăng nhờ các hợp đồng mới từ thị trường nước ngoài trong khi nhu cầu trong nước vẫn khá yếu do nguồn ngân sách eo hẹp trong khi lợi nhuận được cải thiện nhờ các hợp đồng chưa được hạch toán trước đó sẽ hoàn thiện và cho hạch toán.
- Lợi nhuận của mảng dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 19,0% với doanh thu tăng trưởng 16,0% – Doanh thu mảng nội dung số không đổi và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 7%. Doanh thu của mảng dịch vụ viễn thông tăng trưởng 13,5% còn lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 20%. Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ dịch vụ truyền hình trả tiền không còn lỗ trong năm 2018 (năm 2017 lỗ khoảng 150 tỷ đồng).
- Dự báo mảng bán lẻ đóng góp 218 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế – Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo trong năm 2018, FPT có thể hạch toán 218 tỷ đồng vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với số cổ phần sở hữu tại FPT Retail là 47%. Chúng tôi dự báo FPT Retail sẽ đạt tăng trưởng doanh thu 26,5% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 28,5% nhờ (1) có khoảng 100 cửa hàng mới đi vào hoạt động, nâng tổng số cửa hàng lên 580 cửa hàng (tăng 20,8%); (2) lợi ích kinh tế về quy mô trong quản lý hoạt động giúp giảm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng, và (3) tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ doanh số bán hàng tăng giúp cải thiện khả năng thương lượng giá với nhà cung cấp.
- Dự báo mảng phân phối đóng góp 161 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế – Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo trong năm 2018, FPT có thể hạch toán 161 tỷ đồng vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với số cổ phần sở hữu tại FPT Trading là 48%. Chúng tôi dự báo mảng phân phối sẽ tăng trưởng doanh thu 6,7% và tăng trưởng lợi nhuận 17% với giả định thị trường điện thoại di động trong nước sẽ tăng trưởng khoảng 13% về giá trị trong khi thị trường các sản phẩm công nghệ giữ nguyên về giá trị so với năm 2017.
- Dự báo lợi nhuận trước thuế mảng giáo dục tăng trưởng 5% – Cho năm 2018, chúng tôi dự báo mảng giáo dục sẽ tăng trưởng 10% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế với tổng số lượng học sinh nhập học tăng 50%.
Với những giả định trên, chúng tôi dự báo EPS là 3.633 đ, theo đó P/E dự phóng 2018 là 11,9 lần.
HSC dự báo lợi nhuận tăng trưởng 27,2% trong năm 2019 – Cho năm 2019, chúng tôi dự báo FPT sẽ tăng trưởng doanh thu 15,7% đạt 25,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 27,2% đạt 3.150 tỷ đồng. Các giả định của chúng tôi gồm:
- Chúng tôi giả định doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng gia công phần mềm sẽ tăng trưởng 31,8% – Cho năm 2019, theo mô hình lợi nhuận của mình, chúng tôi dự báo mảng gia công phần mềm có thể đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 31,8% nhờ nhu cầu từ thị trường Nhật Bản và Mỹ.
- Doanh thu mảng dịch vụ dựa trên dự án bao gồm tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT dự báo tăng trưởng 22% với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 11,5%. FPT dự kiến giảm doanh thu từ phần cứng trong khi đó đẩy mạnh doanh thu từ mảng dịch vụ IT và giải pháp phần mềm cho tỷ suất lợi nhuận cao.
- Lợi nhuận của mảng dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 20,6% với doanh thu tăng trưởng 15,2% – Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ dịch vụ truyền hình trả tiền bắt đầu cho lợi nhuận trong năm 2019.
- Dự báo mảng bán lẻ và phân phối đóng góp 447 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế – Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo trong năm 2019, FPT có thể hạch toán 274 tỷ đồng vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với số cổ phần sở hữu tại FPT Retail là 47% và 173 tỷ đồng từ FPT Trading tương ứng với 48% cổ phần sở hữu. Chúng tôi dự báo FPT Retail sẽ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 25,4% và mảng phân phối tăng trưởng 7,7%.
- Dự báo lợi nhuận trước thuế mảng giáo dục tăng trưởng 2,5% – Cho năm 2019, chúng tôi dự báo mảng giáo dục sẽ tăng trưởng 5% về doanh thu và 2,5% về lợi nhuận trước thuế với tổng số lượng học sinh nhập học tăng 5%.
Với những giả định trên, chúng tôi dự báo EPS là 4.608 đ, theo đó P/E dự phóng 2019 là 9,4 lần.
Việc mua lại Intellinet ở Mỹ cho phép FPT cung cấp dịch vụ CNTT chiến lược trọn gói cho khách hàng – Vào đầu tháng 7, FPT đã chi 30 triệu USD mua 90% cổ phần Intellinet, một doanh nghiệp công nghệ và tư vấn quản trị tại Mỹ. Thương vụ trên cho thấy mục tiêu của FPT là bổ sung thêm dịch vụ tư vấn vào loạt các dịch vụ CNTT của mình, từ đó giúp công ty cung cấp cho khách hàng dịch vụ toàn diện và đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ. Với đội ngũ chuyên gia tư vấn của Intellinet, FPT có thể cung cấp các giải pháp trọn gói trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp từ khâu tư vấn, xác định yêu cầu, thiết kế, triển khai đến bảo hành bảo trì. Theo đó FPT hiện có thể ký hợp đồng trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia lớn.
FPT đã và đang cung cấp dịch vụ công nghệ cho gần 200 khách hàng tại Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó chủ yếu là làm gia công vì cho đến nay công ty vẫn thiếu năng lực tư vấn chiến lược và quản trị.
Doanh thu tại Mỹ của FPT có thể tăng gấp đôi trong 3 năm tới – Mỹ là thị trường gia công lớn thứ hai của FPT chỉ sau Nhật Bản với tổng doanh thu từ thị trường này là 50 triệu USD (tăng trưởng 17%) trong năm 2017. Do một dự án tư vấn quản lý và chiến lược thường yêu cầu số lượng lớn kỹ sư phần mềm với tỷ lệ 1:20. Tức là, một chuyên gia tư vấn tạo ra khối lượng công việc yêu cầu 20 kỹ sư phần mềm để hoàn thành. Vì vậy, với đội ngũ 150 tư vấn của Intellinet hiện tại, khối lượng công việc sẽ đủ cho khoảng 3.000 kỹ sư phân mềm của FPT, hay gần gấp đôi số lượng nhân sự hiện tại của FPT cho thị trường Mỹ. Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu của FPT tại Mỹ có thể tăng gấp đôi trong năm 3 năm tới.
Chiến lược trở lại công ty thuần về công nghệ là yếu tố tích cực cho tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong tương lai – Sau khi thoái một phần vốn tại FRT và FPT distribution, FPT hiện đang từng bước trở thành công ty thuần về công nghệ với tỷ suất lợi nhuận cao hơn và tăng trưởng tốt hơn. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng khả quan ở tất cả các mảng kinh doanh của công ty vốn có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ (1) chi phí thấp; (2) độc quyền cung cấp nhiều dịch vụ; (3) mô hình kinh doanh toàn diện với sự hiện diện ở hầu hết các mảng CNTT lớn; (4) vị thế đứng đầu cả nước và (5) ban lãnh đạo có tầm nhìn.
Trong mô hình của mình, chúng tôi đưa ra dự báo trong ba năm tới bao gồm cả đóng góp từ Intellinet. Cụ thể;
- Doanh thu tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp 15,4%.
- Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp 23,9% cho giai đoạn 2018 – 2020.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ tăng từ 22,9% trong năm 2017 lên 37,5% trong năm 2018 và tiếp tục tăng lên 41,2% trong năm 2020.
-
Tiếp tục đánh giá MUA VÀO. FPT (MUA VÀO) công bố doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 16.261 tỷ đồng (giảm 47,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 2.738 tỷ đồng (tăng 18,6% so với cùng kỳ). Doanh thu 9 tháng đầu năm không còn bao gồm bất kỳ đóng góp nào từ FPT Trading và FPT Retail và điều này lý giải mức giảm mạnh của doanh thu so với cùng kỳ. Ngoài ra tất cả các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng tốt.
Kết luận nhanh. Tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu FPT là 54.400đ; tương đương P/E năm 2018 là 15 lần. HSC dự báo lợi nhuận năm 2018 sẽ giảm 15,4% sau khi công ty thoái vốn một phần khỏi một số công ty con. Chúng tôi cũng dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 tăng trưởng 27,2%. Theo đó chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 23,9% trong 3 năm tới, từ 2018 đến 2020 nhờ sự tăng trưởng không phụ thuộc chu kỳ ở hầu hết các mảng. Thương vụ mua cổ phần Intellinet tại Mỹ giúp bổ sung một mắt xích quan trọng trong năng lực cũng cấp dịch vụ phần mềm của FPT, đó là bổ sung mảng tư vấn/chiến lược. Từ đó giúp công ty cung cấp các giải pháp trọn gói và ký hợp đồng trực tiếp với các công ty đa quốc gia thay vì chỉ làm gia công như hiện nay. Ngoài ra, các mảng kinh doanh của FPT đều có sự tăng trưởng tích cực mặc dù việc thoái vốn một phần khỏi FPT Retail và FPT Trading trong năm ngoái sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm nay. Chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục đánh giá quá thấp cổ phiếu FPT so với giá trị thực một phần vì có ít cổ phiếu công nghệ trên thị trường. Và điều này chủ yếu là do hiện room đã kín trong một thời gian dài, theo đó nhà đầu tư nước ngoài khó có thể mua vào. FPT là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên của Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu với một ban lãnh đạo có tầm nhìn.
II. Quan điểm đầu tư
Tiếp tục đánh giá Mua vào với giá trị hợp lý là 54.400đ; tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 15 lần. FPT vẫn là một trong những cổ phiếu có định giá thấp nhất trên thị trường so với những cổ phiếu cùng ngành trong khu vực. Tuy nhiên, room đã đầy và thực tế gần như không có khả năng nới room nên mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu đã giảm mạnh. Trong khi đó cổ phiếu cũng không thu hút nhà đầu tư trong nước do thiếu lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng dài hạn rất tốt cộng với vị thế là công ty đầu ngành công nghệ của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu FPT có giá trị lớn để đầu tư. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2018 sẽ tăng nhờ mảng phân phối với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ không còn hợp nhất vào kết quả kinh doanh của FPT. Việc thoái vốn cũng giúp công ty thu về nguồn tiền mặt lớn và từ đó FPT sẽ trở thành công ty thuần về công nghệ. Tuy nhiên do room khối ngoại đã đầy và ít có khả năng FPT sẽ nới room nên việc tiếp cận cổ phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức từ lâu đã trở nên khó khăn.
Nguồn: HSC