Định giá rẻ và tiềm năng dài hạn
Hiện tại, tiến độ bàn giao đất KCN chậm do thời gian phê duyệt dự án kéo dài tại tỉnh Bình Dương cộng với đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây. Theo đó, HSC giảm dự báo lợi nhuận cho năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tiến độ bàn giao đất KCN sẽ được đẩy mạnh từ năm 2023 với lợi nhuận dự báo tăng trưởng 60,8%. Triển vọng dài hạn của mảng KCN vẫn tốt và sau một thời gian diễn biến giá cổ phiếu kém khả quan, hiện định giá đã trở nên tương đối rẻ. HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 60.600đ, tương đương tiềm năng tăng giá 11,4%.
Đồ thị cổ phiếu PHR phiên giao dịch ngày 25/08/2021. Nguồn: AmiBroker
Kết quả mảng KCN kém khả quan trong ngắn hạn
Tiến độ bàn giao đất KCN của PHR bị chậm. Trong đó những dự án chịu ảnh hưởng nhiều nhất là NTU3, Tân Lập 1 và VSIP3. Sự chậm trễ ở đây là vì thời gian phê duyệt dự án tại tỉnh Bình Dương kéo dài cộng với đợt dịch Covid-19 bùng phát gần đây.
Trái lại, triển vọng mảng cao su đã trở nên khả quan hơn dự báo trước đây với kết quả 6 tháng đầu năm rất tích cực. HSC dự báo kết quả mảng cao su sẽ còn tiếp tục khả quan trong những quý tiếp theo.
Dự báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh từ năm 2023
Vì không còn đóng góp từ mảng KCN, lợi nhuận năm 2022 dự báo giảm 43%. Tuy nhiên, KCN Tân Lập 1 và VSIP3 dự kiến sẽ bắt đầu được bàn giao trong năm 2023, từ đó giúp lợi nhuận hồi phục và tăng trưởng mạnh 60,8%.
Biểu đồ 1: Dự báo doanh thu (tỷ đồng)
Biểu đồ 2: Dự báo lợi nhuận thuần (tỷ đồng)
Hạ giá mục tiêu xuống 60.600đ; Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng
HSC đưa ra giá mục tiêu mới cho Cổ phiếu PHR là 60.600đ (thấp hơn giá mục tiêu trước đây là 73.200đ). Mặc dù chúng tôi giảm đáng kể giá mục tiêu, nhưng tiềm năng tăng giá vẫn là 11,4%. Giá cổ phiếu đã giảm 25% kể từ đầu năm và có diễn biến kém 5,8% so với thị trường trong 3 tháng qua.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng vì định giá tương đối rẻ cộng với tiềm năng dài hạn của các KCN mới. Hiện cổ phiếu PHR có P/B là 2,14 lần; cao hơn một chút bình quân P/B trong quá khứ là 2,36 lần. Hiện giá cổ phiếu chiết khấu 12% so với RNAV (mức chiết khấu trước đây thường khoảng 9%). So với P/B bình quân nhóm các doanh nghiệp cùng ngành, hiện định giá của PHR đang rẻ hơn và chiết khấu 6,9%.
Biểu đồ 3: P/B dự phóng lịch sử của PRH (lần)
Biểu đồ 4: Chiết khấu lịch sử đối với RNAV (%) của PHR
Triển vọng ngắn hạn mảng KCN không được tích cực
Chậm bàn giao đất cho các KCN của PHR sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 và 2022. Tình trạng này xảy ra do có những thay đổi trong bộ máy tại tỉnh Bình Dương và do sự bùng phát dịch Covid-19 gần đây. Tuy vậy, mảng cao su dự kiến sẽ đạt kết quả khả quan hơn dự báo trước đây của HSC.
Các KCN đối mặt với sự chậm trễ trong phê duyệt dự án
HSC được biết tỉnh Bình Dương đang có nhiều sự thay đổi ở bộ máy quản lý, khiến việc phê duyệt các dự án KCN bị chậm. Toàn bộ các dự án trên địa bản tỉnh hiện đang được rà soát lại để đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành. Theo đó, HSC cho rằng thời gian phê duyệt các dự án mới sẽ kéo dài đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến một số dự án của PHR tại Bình Dương.
Bảng 5: Các khu công nghiệp (KCN) do PHR và / hoặc các công ty liên quan của PHR phát triển
Tuy nhiên, trong trung dài hạn, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm là PHR sẽ chuyển đổi thành công sang doanh nghiệp KCN – là lĩnh vực Công ty có nhiều lợi thế. Tuy rằng đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Dương có nguồn cung KCN lớn nhất (Biểu đồ 6), tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức rất cao, là 87%.
Vào tháng 6/2021, Bình Dương là tỉnh có sức thu hút vốn FDI đứng thứ 2, sau TP HCM. Hiện vốn FDI đăng ký tại Bình Dương là 36,8 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn FDI đăng ký cả nước – với những lợi thế của tỉnh, xu hướng này sẽ còn duy trì.
Với quỹ đất lớn, PHR có nhiều lợi thế để tận dụng nhu cầu cao và thực trạng nguồn cung KCN hiện tại trên địa bàn tỉnh.
Biểu đồ 6: Nguồn cung đất khu công nghiệp của các tỉnh vào cuối năm tài chính 20
Biểu đồ 7: Vốn FDI cam kết theo địa phương năm 2021
Chính phủ vẫn đang ủng hộ phát triển KCN. HSC được biết Chính phủ đang soạn thảo quy định mới thay thế Nghị định 82 về quản lý các KCN và Khu kinh tế. Quy định mới được kỳ vọng sẽ giảm bớt thủ tục phê duyệt dự án và triển khai các KCN, từ đó giúp rút ngắn thời gian triển khai.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án trong ngắn hạn
Tại thời điểm HSC viết báo cáo này, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ đầu dịch. Với chương trình tiêm chủng vắc xin, nhiều khả năng dịch bệnh sẽ được dần kiểm soát về cuối Q3/2021. Toàn bộ 19 tỉnh thành phía Nam đang trong tình trạng giãn cách xã hội trong khi một số tỉnh, bao gồm Bình Dương. Người dân tại Bình Dương không được phép ra ngoài từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Hiện Bình Dương là chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng thứ hai sau TP HCM.
Biểu đồ 8: Số ca nhiễm Covid-19 tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ ngày 27 tháng 4
Trước tình trạng phong tỏa, HSC cho rằng hoạt động triển khai KCN trong nửa cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại Bình Dương, là địa phương có các KCN của PHR. Cộng với thời gian phê duyệt dự án kéo dài và sự thay đổi về nhân sự tại chính quyền tỉnh, HSC đã điều chỉnh thời gian bàn giao KCN NTU3 từ năm 2021 sang năm 2022 và KCN VSIP3, Tân Lập 1 từ năm 2022 sang năm 2023.
Hiện tại, VSIP3 đang chờ quyết định phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng trong khi hồ sơ của KCN Tân Lập 1 vẫn đang nằm tại chính quyền tỉnh. NTU3 trước đó dự kiến đóng góp doanh thu trong năm 2021 nhưng đã không có nhiều tiến triển trong triển khai hạ tầng kể từ cuối năm 2020. Điều này đã phản ánh trên bảng cân đối kế toán của NTC (Không xếp hạng).
Mảng cao su vẫn sẽ là lực đỡ đối với doanh thu trong ngắn hạn
Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Với dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, nhu cầu của thế giới đối với cao su đã giảm đáng kể, khiến giá cao su giảm. Khi dịch bệnh tại Trung Quốc được kiểm soát vào tháng 4/2020, giá cao su đã hồi phục mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu tăng lên từ Trung Quốc cộng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung gây ra do sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Biểu đồ 9: Giá cao su toàn cầu (US Cents/Pound)
Biểu đồ 10: Các nhà nhập khẩu cao su lớn nhất trong năm 2020 (triệu tấn)
Giá cao su tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và theo đó, giá bán cao su của PHR đã tăng. Doanh thu mảng cao su 6 tháng đầu năm 2021 tăng 83% so với cùng kỳ, cao hơn 12% so với kỳ vọng trước đây của HSC.
Nhu cầu đối với cao su dự kiến tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2021 và thời gian sau đó sau khi nền kinh tế Mỹ, EU và thế giới hồi phục sau dịch Covid-19. Nhu cầu từ Trung quốc đặc biệt cao nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, chi tiêu mạnh tay của chính phủ và dịch bệnh được kiểm soát thành công. Theo đó, HSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ mảng cao su sẽ tăng so với cùng kỳ trong những quý tới.
Sản lượng cao su khu vực Đông Nam Á (chiếm 2/3 tổng nguồn cung cao su tự nhiên thế giới) đã chịu ảnh hưởng tiêu cực vì tình trạng thiếu lao động do dịch bệnh, thiên tai và sự bất ổn chính trị tại Thái Lan. Từ vậy, chênh lệch cung cầu đã nới rộng, từ đó hỗ trợ giá cao su trong năm 2021 và 2022.
Hiện tại PHR không thể mua cao su để chế biến vì đang giãn cách xã hội. Tuy nhiên, Công ty cho biết công tác trồng cao su vẫn được thực hiện và PHR sẽ tích trữ tồn kho để đáp ứng nhu cầu sau khi dịch Covid-19 lắng dịu.
Với sự chậm trễ trong bàn giao đất KCN, mảng cao su và gỗ sẽ là lực đỡ đối với doanh thu trong năm 2021 và 2022. Tỷ trọng đóng góp vào doanh thu của mảng cao su sẽ giảm khi dự án Tân Lập 1 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2023.
Biểu đồ 11: Cơ cấu doanh thu của PHR (%)
Lợi nhuận dự báo tăng trưởng từ năm 2023
HSC lần lượt giảm 16,2% và 7,3% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2021 và 2022 nhưng nâng 1,3% dự báo lợi nhuận thuần năm 2023. Dự báo doanh thu năm 2023 tăng trưởng mạnh 60,8%. Chúng tôi điều chỉnh dự báo lợi nhuận chủ yếu sau khi điều chỉnh dự báo doanh thu, doanh thu HĐ tài chính, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết và lợi nhuận khác. HSC nâng dự báo lợi nhuận mảng cao su nhưng điều chỉnh thời gian bàn giao đất KCN và ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng đất.
Bảng 12: Ước tính 2021-2023
Giả định doanh thu
HSC tăng 19,3% dự báo doanh thu năm 2021; đồng thời giảm nhẹ 2,7% và 0,9% dự báo doanh thu năm 2022 và 2023.
- Mảng cao su: HSC nâng giả định giá bán bình quân của PHR lên 40,2 triệu đồng/tấn (tăng 25%) cho năm 2021 sau khi giá tăng 30% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 43,6 triệu đồng/tấn. Như vậy chúng tôi giả định giá bán bình quân 6 tháng cuối năm 2021 giảm nhẹ.
Mặc dù giá bán tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, HSC giả định thận trọng rằng giá bán bình quân trong nửa cuối năm 2021 sẽ phản ánh những bất ổn liên quan đến dịch Covid-19. Khả năng bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su. Ngoài ra, PHR có lẽ không được hưởng lợi nhiều từ mặt bằng giá cao su cao trong nửa cuối năm 2021 vì tình hình giãn cách xã hội hiện nay.
Theo đó, HSC dự báo giá bán bình quân của PHR trong năm 2021 tăng 25% (theo đó giá 6 tháng cuối năm 2021 giảm 9%) và giả định giá bán bình quân tăng 2% trong năm 2022 và 2023.
Đồng thời, HSC nâng giả định sản lượng tiêu thụ lên 35.236 tấn (tăng gần 10%). Sản lượng Q1/2021 và Q2/2021 tăng 10%. Chúng tôi giả định sản lượng sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% trong năm 2022 và 2023. Theo đó, HSC nâng 20% dự báo doanh thu mảng cao su cho năm 2021, 2022 và 2023.
- Mảng KCN: Do chậm bàn giao đất, nên hiện HSC dự báo KCN Tân Lập 1 sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu trong năm 2023 với diện tích hạch toán là 15 ha (bằng 11% diện tích thương phẩm) với giá cho thuê là 127 USD/m2.
Bàn giao đất KCN bị chậm được bù lại nhờ HSC nâng dự báo doanh thu mảng cao su; từ đó chúng tôi chỉ giảm một chút dự báo doanh thu năm 2022 và 2023.
Giả định về doanh thu HĐ tài chính và lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết
Doanh thu HĐ tài chính và lợi nhuận, cổ tức từ công ty liên doanh, liên kết là từ KCN NTU3 (do NTC – do PHR nắm 32,85% cổ phần – triển khai) và VSIP3 (do VSIP triển khai, PHR nắm 20% cổ phần).
HSC lần lượt giảm 8,4%; 5,5% và 20% dự báo doanh thu HĐ tài chính năm 2021, 2022 và 2023. Chúng tôi lần lượt hạ 89,4% và 81,8% dự báo lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết năm 2021 và 2022.
HSC hạ giả định doanh thu HĐ tài chính và lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết vì sự chậm trễ trong triển khai 2 dự KCN trên. Chúng tôi kỳ vọng NTU3 và VSIP3 sẽ bắt đầu lần lượt đóng góp doanh thu trong năm 2022 và 2023.
HSC giả định NTU3 sẽ bàn giao 90 ha trong năm 2022 và 60 ha trong năm 2023, đồng thời giả định giá cho thuê lần lượt là 142 USD/m2 và 149 USD/m2. Nói cách khác, tỷ lệ lấp đầy của NTU3 sẽ đạt 59% sau 2 năm đi vào hoạt động. Chúng tôi cũng giả định NTC (HSX, không khuyến nghị) – doanh nghiệp sở hữu dự án NTU3 – sẽ ghi nhận lợi nhuận một lần toàn bộ doanh thu trong năm bàn giao đất. Đây là cách hạch toán chung của nhiều doanh nghiệp KCN.
Về VSIP3, HSC kỳ vọng dự án sẽ được phê duyệt và bắt đầu khởi công xây dựng trong năm 2022 (trong dự báo trước đây là năm 2021). Theo đó, chúng tôi giả định VSIP3 sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu vào năm 2023 tương ứng với 90 ha đất bàn giao (bằng 14% diện tích đất thương phẩm) với giá cho thuê bằng với giá kỳ vọng trước đó. Trước đây, HSC giả định VSIP3 sẽ bàn giao 80 ha đất trong năm 2022 với giá cho thuê là 160 USD/m2.
Với giả định mới về diện tích bàn giao, HSC nâng 1,9% dự báo lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong năm 2023 lên 230 tỷ đồng.
Giả định về lợi nhuận khác
HSC lần lượt nâng 43,6% và 7,1% dự báo lợi nhuận khác cho năm 2022 và 2023; đồng thời giảm 20,3% dự báo lợi nhuận khác cho năm 2021. Những điều chỉnh này xuất phát từ giả định về thu nhập từ chuyển nhượng đất. Trước đây, chúng tôi giả định toàn bộ tiền đền bù 898 tỷ đồng từ VSIP3 sẽ được ghi nhận vào năm 2021.
Theo như thỏa thuận với VSIP, PHR sẽ nhận được những lợi ích sau khi VSIP3 triển khai:
- Tiền đền bù 1,3 tỷ đồng/ha cho 691 ha đất cao su PHR chuyển giao cho liên doanh. Tổng số tiền là 898,3 tỷ đồng. HSC hiện kỳ vọng chỉ 691 tỷ đồng tiền đền bù được ghi nhận trong năm 2021; còn lại sẽ được ghi nhận vào năm 2022 – trước đây chúng tôi giả định toàn bộ số tiền được ghi nhận vào năm 2021.
Theo đó, HSC giảm dự báo lợi nhuận khác năm 2021 xuống 795 tỷ đồng nhưng nâng dự báo năm 2022 lên 269 tỷ đồng. Về dòng tiền, chúng tôi duy trì giả định PHR sẽ nhận được toàn bộ tiền thanh toán còn lại là 748,3 tỷ đồng trong năm 2021.
- Ngoài ra, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận từ bàn giao đất cho thuê hàng năm (trên diện tích 691 ha bàn giao cho VSIP). Tuy nhiên, con số này sẽ không thấp hơn 1,2 tỷ đồng. HSC giả định VSIP3 bắt đầu đem lại doanh thu trong năm 2023, PHR sẽ nhận được nguồn thu này từ năm 2023 trở đi. Theo đó, chúng tôi nâng 7,1% dự báo lợi nhuận khác cho năm 2023 lên 274 tỷ đồng.
- PHR cũng sẽ nhận được 20% lợi nhuận từ việc triển khai dự án (sau khi đã nhận toàn bộ tiền đền bù) vì sở hữu 20% cổ phần dự án.
Giả định về cổ tức
Tại thời điểm cuối năm 2020, PHR đã tạm ứng cổ tức 2.500đ/cp. HSC kỳ vọng PHR sẽ trả tiếp 2.000đ/cp trong năm 2021. Đây là cổ tức của năm 2020 với tỷ lệ 4.500đ/cp, tương đương tỷ lệ lợi nhuận dùng để trả cổ tức là 58% và tỷ suất cổ tức là 8,5%.
HSC dự báo PHR sẽ nhận toàn bộ phần tiền đền bù còn lại từ VSIP3 trong năm 2021 nên Công ty đủ khả năng chi trả nốt 2.000đ/cp cổ tức nhờ số tiền này.
Giảm giá mục tiêu xuống 60.600đ; Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng
Ước tính RNAV của HSC dựa trên tổng hợp từng phần (SOTP) là 60.600đ; tương đương tiềm năng tăng giá 11,4%. HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng cho PHR. Lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn vì quá trình phê duyệt dự án kéo dài đối với các dự án KCN và dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng thời gian gần đây. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn tích cực nhờ thu nhập từ chuyển nhượng đất và lợi nhuận từ triển khai KCN. Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng.
Định giá và khuyến nghị
HSC sử dụng phương pháp định giá tổng hợp từng phần để tính ra giá mục tiêu 60.600đ đối với PHR (từ 73.200đ), tương đương tiềm năng tăng giá 11,4%. Thông tin chi tiết về giả định định giá của chúng tôi như sau:
- Điều chỉnh nhẹ định giá mảng cao su để phản ánh triển vọng tích cực hơn sau dịch Covid-19. HSC sử dụng phương pháp DCF để tính NPV của dòng tiền từ kinh doanh cao su và thanh lý cây cao su.
NPV từ kinh doanh cao su là 1.627 tỷ đồng còn NPV thanh lý cây cao su là 422 tỷ đồng. Theo đó mảng cao su đóng góp 31% tổng giá trị định giá lại.
- HSC giảm định giá mảng KCN do sự trì hoãn ở dự án NTU3, VSIP3 và Tân Lập 1 như đề cập trên đây. Đối với mảng này, chúng tôi sử dụng phương pháp DCF để tính NPV của dòng tiền từ từng KCN (Tân Bình 1, Tân Lập 1 và VSIP3) và từ chuyển nhượng đất, là thu nhập từ tiền đền bù cho KCN Tân Lập 1 và VSIP3; trong khi sử dụng phương pháp RNAV để định giá 32,85% cổ phần tại NTC (Không khuyến nghị), là doanh nghiệp sở hữu dự án NTU3.
PHR có nhiều dự án khác trong tương lai, được trình bầy trong Bảng 5 như Tân Bình 2, Tân Lập 2, Hội Nghĩa… Những dự án này vẫn trong giai đoạn làm việc với chính quyền địa phương để đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, thông tin còn hạn chế và chưa rõ ràng, nên HSC không định giá những dự án tiềm năng này.
Giá trị của mảng KCN là 4.038 tỷ đồng, chiếm 61% tổng giá trị định giá lại.
- HSC bỏ mức thặng dư 10% áp dụng trước đây. Chúng tôi đã áp dụng mức thặng dư này nhằm phản ánh lợi thế về quỹ đất của PHR. Tuy nhiên, HSC không cho rằng PHR sẽ khai thác được tiềm năng quỹ đất trong ngắn hạn vì tiến độ triển khai chậm chạp của các KCN hiện tại. Theo đó, giá mục tiêu hiện bằng giá trị nội tại (RNAV) của PHR.
- HSC sử dụng chi phí vốn bình quân WACC là 10,7%; chi phí vốn CSH là 11,2% và chi phí vay nợ là 10%. Lãi suất phi rủi ro là 3% và phần bù rủi ro vốn cổ phần là 9%.
Bảng 13: Định giá, PHR
Mặc dù HSC hạ giá mục tiêu, tiềm năng tăng giá vẫn là 11,4%. Giá cổ phiếu đã giảm 25% kể từ đầu năm và có diễn biến kém 5,8% so với thị trường trong 3 tháng qua.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng vì định giá tương đối rẻ cộng với tiềm năng dài hạn của các KCN mới. Hiện Cổ phiếu PHR có P/B là 2,14 lần; thấp hơn một chút bình quân P/B trong quá khứ là 2,36 lần. Hiện giá cổ phiếu chiết khấu 12% so với RNAV (mức chiết khấu trước đây thường khoảng 9%).
Biểu đồ 14: Tỷ lệ P/B PHR
Biểu đồ 15: Chiết khấu lịch sử (%) cho RNAV đối với PHR
Rủi ro
Rủi ro vượt dự báo – quỹ đất. PHR có quỹ đất lớn (6.690 ha) tại Bình Dương, chủ yếu là đất trồng cao su. Tỉnh Bình Dương có nhu cầu KCN cao và có vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, HSC cho rằng PHR sẽ chưa khai thác được tiềm năng quỹ đất trong ngắn hạn. Do đó, trước thông tin còn hạn chế, HSC không đưa quỹ đất hay giá trị tiềm năng từ chuyển đổi mục đích sử dụng vào định giá của mình. Nếu quỹ đất được khai thác sẽ tạo ra rủi ro vượt dự báo đáng kể đối định giá và lợi nhuận.
Rủi ro không đạt dự báo do khả năng chậm triển khai dự án. Dự án NTU3 hiện đã bị trì hoãn vài lần do vướng thủ tục pháp lý. Nếu thời gian trì hoãn kéo dài hơn trong dự báo của HSC đối với dự án NTU3, Tân Lập 1 và/hoặc VSIP3, thì đây sẽ là rủi ro không đạt dự báo.
Rủi ro không đạt dự báo vì nhu cầu đối với cao su hoặc giá cao su giảm. Đợt dịch Covid-19 hiện tại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su. Ngoài ra, giá cao su cũng có rủi ro nhất định. Nếu giá cao su giảm mạnh, thì đây sẽ là rủi ro không đạt dự báo.
Nguồn: HSC