Sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh khá sâu, thị trường đã có những tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch sáng cuối tuần. Mặc dù vẫn còn những nhịp điều chỉnh do lực bán vẫn còn khá lớn trong khi lực cầu còn thận trọng, nhưng đà tăng mạnh của “ông lớn” VNM và sự trở lại của dòng bank đã giúp thị trường tạm chốt phiên trên mốc tham chiếu.
Trái với sự giằng co và diễn biến lình xình trong phiên sáng, bước sang phiên chiều, lực cầu giá cao nhanh chóng nhập cuộc và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tiếp tục bứt tốc.
Thanh khoản thị trường phiên giao dịch hôm nay tăng nhẹ với tổng khối lượng giao dịch đạt 207,32 triệu cổ phiếu, trị giá 3905,73 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index ngày 07/09/2018
HOSE: Đóng cửa, sàn HOSE có 190 mã tăng và 94 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 10,71 điểm (+1,12%) lên 968,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,34 triệu đơn vị, giá trị 3.419,73 tỷ đồng, tăng 5,59% về lượng nhưng giảm nhẹ 3,78% về giá trị so với phiên hôm trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 16,75 triệu đơn vị, giá trị 304,89 tỷ đồng, trong đó SAM thỏa thuận hơn 4,6 triệu đơn vị, giá trị 32,94 tỷ đồng; TCB thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 25,91 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 1,44 triệu đơn vị, giá trị hơn 12,8 tỷ đồng…
Khối ngoại mua vào 11,05 triệu đơn vị, giá trị 495,46 tỷ đồng, tăng 38,22% về khối lượng và 20,65% về giá trị so với phiên hôm qua. Ngược lại, khối này bán ra 7,71 triệu đơn vị, giá trị 344,19 tỷ đồng, giảm 22,5% về khối lượng và 30,55% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã trở lại mua ròng sau 7 phiên bán ròng liên tiếp, với khối lượng mua ròng 3,33 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 151,27 tỷ đồng. Trong phiên trước, khối này đã bán ròng 1,96 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 84,9 tỷ đồng.
Top giao dịch khối ngoại sàn HOSE ngày 07/09/2018
HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 53,57 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là VCB (48,58 tỷ đồng), VNM (34,49 tỷ đồng), KDC (14,29 tỷ đồng), HCM (10,57 tỷ đồng). Trong đó, ngoại trừ KDC dừng tại mốc tham chiếu 30.700 đồng, các cổ phiếu còn lại trong top mua ròng đều bứt phá khá mạnh.
Ở chiều ngược lại, NVL là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 19,42 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top bán ròng lần lượt là GAS (13,1 tỷ đồng), VIC (9,86 tỷ đồng), GEX (6,35 tỷ đồng), VND (6,24 tỷ đồng).
HNX: chỉ số HNX-Index cũng được kéo lên cao nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechip. Kết phiên, HNX-Index tăng 1,29 điểm (+1,17%) lên 111,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 486 tỷ đồng, giảm 11,15% so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 21,63 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào 643.350 đơn vị, giá trị 12,52 tỷ đồng, giảm 76,75% về khối lượng và giảm 73,59% về giá trị so với phiên trước. Ngược lại, khối này bán ra 2,1 triệu đơn vị, giá trị 33,01 tỷ đồng, giảm 4,92% về khối lượng nhưng tăng nhẹ 5,16% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 1,46 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 20,49 tỷ đồng; trong khi phiên trước mua ròng 557.594 đơn vị, tổng giá trị mua ròng 16,02 tỷ đồng.
Top giao dịch khối ngoại sàn HNX ngày 07/09/2018
DBC là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 2,14 tỷ đồng. Ngoài ra, không cổ phiếu nào trên HNX được khối ngoại mua ròng quá 1 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Phía bán ròng, VGC đứng đầu danh sách với 9,85 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là PVS (7,35 tỷ đồng), CEO (2,39 tỷ đồng), TNG (1,32 tỷ đồng)…
Đánh giá tổng quan các ngành
• Các mã ngân hàng bật tăng hôm nay, ngoại trừ EIB đóng cửa tại tham chiếu. BID, VCB và CTG là dẫn đắt đợt tăng.
• Các mã tài chính phi ngân hàng cũng đồng loạt tăng, với HCM, BVH và VND tăng mạnh nhất.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ biến động trái chiều với VNM, BHN và PNJ tăng. KDF và QNS giảm trong khi đó MCH, KDC và SAB đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu công nghệ cũng biến động trái chiều với FPT bật lại và tăng 20% trong khi đó YEG giảm trở lại.
• Cổ phiếu ngành sản xuất nhìn chung tăng dẫn đầu là TCM và PAC, với số mã tăng áp đảo số mã giảm (EVE và HHS) với tỷ lệ gấp đôi. STK đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng, ngoại trừ PXS giảm trong khi đó PVS đi ngang.
• Cổ phiếu BĐS và xây dựng cũng nằm trong xu hướng tăng, với chỉ SJS, VIC và VHM giảm. VRE, DXG và KDH tăng mạnh nhất.
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản trái lại giảm mạnh, ngoại trừ DPM, GTN và SBT. HAG giảm mạnh nhất, hơn 6,5%.
• Cổ phiếu ngành dược phẩm tăng, với DHG và IMP tăng, DMC giảm trong khi TRA tiếp tục đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic phục hồi mạnh, dẫn đầu là ACV và VSC. NCT là mã giảm hiếm hoi, trong khi đó PPC đóng cửa tại tham chiếu.
Nhận định thị trường 10/09 – Phục hồi trên toàn thị trường
Nhìn tổng thể thì chỉ số trên 2 sàn tăng tốt nhưng thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao phủ thị trường và nhà đầu tư có vẻ vẫn đang chờ đợi tin tức mới từ Chính phủ Mỹ về căng thẳng thương mại, quyết định tiếp tục tăng lãi suất của Fed và hoạt động cơ cấu của ETF ngoại. Tuy vậy, khối ngoại vẫn giao dịch khá tích cực với lực mua khá tốt trong phiên cuối tháng “cô hồn” ở các mã đầu ngành như HPG, VCB,v.v….
Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng căng thẳng thương mại leo thang, quyết định tiếp tục tăng lãi suất của Fed và giao dịch cơ cấu của ETF ngoại có thể sẽ tạo những dư chấn nhất định cho thị trường trong thời gian tới NHƯNG lợi thế từ các yếu tố nội tại sẽ giúp thị trường sớm lấy lại được sự cân bằng và hồi phục tốt, nhất là thời điểm tháng 7 “cô hồn” đã kết thúc.
Khuyến nghị: giữ danh mục cân bằng với tỷ trọng tiền mặt ở mức nhất định để duy trì sự linh hoạt với các diễn biến mới có ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu tháng 9. Ưu tiên cổ phiếu đầu ngành có triển vọng tích cực cho danh mục trung hạn như các mã trong rổ VN30.