Đến thời điểm hiện tại, phương án cổ phần hóa Công ty Mẹ – Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã được phê duyệt. Đại diện PVOIL cho biết, có 19 công ty nộp đơn xin làm cổ đông chiến lược, trong đó 3/4 là các nhà đầu tư ngoại đến từ những tập đoàn lớn trong ngành kinh doanh xăng dầu trên thế giới. Qua đó thấy được sức hút của PVOIL trước thời điểm IPO. Ngày hôm nay, Đức Hùng sẽ giúp các bạn cập nhật những thông tin mới nhất về doanh nghiệp này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 8-12-2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Mẹ – Tổng Công ty Dầu Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN).
Hình thức cổ phần hóa là bán bớt một phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Quyết định nêu rõ:
Vốn điều lệ của PVOIL là 10.342.295.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ.
Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOIL với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa (room) là 49% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo tiêu chí lựa chọn về năng lực tài chính. Theo đó, nhà đầu tư phải chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỉ đồng đối với doanh nghiệp Nhà nước hoặc tương đương 2.000 tỉ đồng theo tỉ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế.
Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản của Hội đồng Quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu PVOIL trong thời gian ít nhất là 10 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược; không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ ngày Tổng Công ty Dầu Việt Nam – công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…
Đặc biệt trên kinh nghiệm sẵn có, nhà đầu tư chiến lược phải có chiến lược phát triển và mở rộng thị phần PVOIL trong tương lai. Theo ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc PVOIL thì đây là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng để quyết định lựa chọn. Và một tiêu chí quan trọng nữa là nhà đầu tư chiến lược cam kết ưu tiên mua sản phẩm xăng dầu của BSR và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Sự tự tin của PVOIL dựa trên những cơ sở vững chắc về năng lực vốn có và tiềm năng phát triển sau IPO. PVOIL là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là đơn vị duy nhất được ủy thác xuất khẩu dầu thô và cung cấp dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; phân phối xăng dầu chiếm thị phần đứng thứ 2 ở Việt Nam với 22% và chiếm thị phần đứng thứ hai ở Lào với 20%. PVOIL còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong khi doanh nghiệp đứng đầu ngành xăng dầu ở Việt Nam đã đạt đến ngưỡng thị phần (47%) theo mức trần 50% theo quy định của Luật Cạnh tranh. Đó là tiềm năng và lợi thế cực lớn của PVOIL được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.
Hiện PVOIL có 540 cửa hàng xăng dầu (CHXD) sở hữu trên cả nước và 3.000 đại lý/tổng đại lý (DODO) cùng với 120 CHXD tại Lào. Dự kiến đến năm 2022 (5 năm sau cổ phần hóa) tỉ trọng phân phối thông qua cửa hàng bán lẻ (COCO) của PVOIL sẽ tăng lên khoảng 35%, điều này sẽ giúp PVOIL dần cải thiện khả năng sinh lời. Bởi trong 3 sản phẩm kinh doanh xăng dầu của PVOIL gồm khách hàng công nghiệp, DODO và COCO thì cửa hàng bán lẻ có biên lợi nhuận cao nhất nên PVOIL rất tự tin sau IPO sẽ tiến hành hàng loạt hoạt động M&A các CHXD do tư nhân sở hữu chưa phát huy hết tiềm năng.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng là, tại sao sau khi cổ phần hóa, tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước xuống còn 35,1% nhưng PVOIL vẫn cam kết bao tiêu sản phẩm xăng dầu BSR và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Về quan ngại này, ông Cao Hoài Dương cho rằng, hiện BSR đáp ứng 30-45% nhu cầu xăng dầu trong nước và đầu năm 2018 khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động thì tổng công suất hai nhà máy đáp ứng được 70-80%, phần còn lại phải nhập khẩu. PVOIL mua xăng dầu BSR vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho vừa tiết kiệm thời gian so với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, rủi ro hàng tồn kho… Theo cam kết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL sẽ tiêu thụ sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong 10 năm (2018-2028). Ngoài ra PVOIL có lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh xăng E5 RON 92 khi xăng sinh học được bán đại trà trên cả nước vào ngày 1-1-2018 thay thế hoàn toàn RON 92.
Tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu PVOIL sau khi IPO còn thể hiện ở kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng trong năm 2017, theo đó, doanh thu hợp nhất cả năm ước đạt 55.500 tỉ đồng (163% kế hoạch), nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất ước đạt 8.000 tỉ đồng (140% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 520 tỉ đồng (136% kế hoạch). Đó là những minh chứng rõ nét cho PVOIL trong tâm thế trước thềm IPO sẽ diễn ra trong quý I/2018 và hứa hẹn là cổ phiếu mở đầu rất sôi động cho năm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Nguyễn Đức Hùng – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: (+84) 968 231 294
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: dautuphatdat@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/