Trong bài viết này, Duy Nghĩa chia sẻ tới các bạn ”Phân phối đỉnh là gì? Thời điểm nên bán chứng khoán, cổ phiếu”. Sau khi mua chứng khoán, cổ phiểu nhà đầu tư thường khó xác định thời điểm bán phù hợp nhất, chúng ta thường sẽ rơi vào 2 trường hợp sau:
- Không bán: Chúng ta kỳ vọng giá sẽ tăng, Chúng ta quyết định tiếp tục giữ. Nhưng khi chúng ta giữ lại thì cổ phiếu đó lại giảm giá.
- Bán: Chúng ta kỳ vọng giá giảm, chúng ta đặt lệnh bán. Nhưng khi chúng ta bán thì giá cổ phiếu lại tăng.
Vậy làm thế nào để xác định được điểm bán hợp lý đối với mỗi cổ phiếu? Câu trả lời là chúng ta phải xác định được thời điểm phân phối đỉnh của cổ phiếu.
1. Phân phối đỉnh là gì?

Phân phối đỉnh là cổ phiếu/chứng khoán đang trong xu hướng tăng giá nhưng bỗng nhiên bị chững lại ở một vài phiên, kèm theo đó là volume (khối lượng giao dịch) tăng cao đột biến trong vài ngày chững lại đó.
Phân phối đỉnh chỉ xảy ra khi chứng khoán đó đang trong quá trình uptrend và có sự mâu thuẫn về quy luật cung cầu xuất hiện, đó là volume tăng cao nhưng giá không tăng được nữa. Phân phối đỉnh không chỉ xảy ra với mỗi cổ phiếu mà còn xảy ra với toàn bộ thị trường chung
Khi cổ phiếu hay thị trường chung xảy ra phân phối đỉnh, thì hoặc nó sẽ giảm sâu hoàn thành vòng đời của riêng nó hoặc nó sẽ chỉnh ngắn rồi tích lũy đi ngang trong một thời gian nào đó rồi bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.
Phân phối đỉnh xảy ra là do các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu để thu lợi nhuận, khi đó khối lượng giao dịch trong phiên tăng cao nhưng giá cổ phiếu không đẩy lên được, thậm chí nếu là giảm giá nếu lực bán mạnh. Mức độ giảm phụ thuộc vào từng cổ phiểu, nếu trên thị trường còn nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu còn tăng giá nữa, họ sẽ mua vào – lúc đó sẽ có lực cầu để cần bằng lượng bán ra. Hơn nữa, các nhà đầu tư luôn thường không bán mạnh trong một phiên mà dải đều để bán được giá tốt trong nhiều phiên (thoát hàng). Cuối cùng khi nhà đầu tư lớn thoát hết, cổ phiếu sẽ bị hụt cầu, giá cổ phiếu sẽ rơi mạnh.
Chính vì vậy, nhà đầu tư cần xác định đúng giai đoạn phân phối đỉnh để chốt lời và không được mua cổ phiếu vào đúng giai đoạn phân phối đỉnh.
Xem thêm:
- Dòng cổ phiếu dẫn sóng là gì? Cách nhận biết Dòng cổ phiếu dẫn sóng
- Tâm lý nhà đầu tư – yếu tố quyết định trong đầu tư Chứng khoán!
2. Có mấy loại phân phối

Loại 1: Trong phiên, cổ phiếu tăng mạnh và bị bán vào cuối phiên với khối lượng gia tăng mạnh mẽ. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đầu phiên cổ phiếu thường tăng mạnh vào buổi sáng, mức tăng được duy trì đến cuối phiên chiều thì bị bán xuống. Cổ phiếu phải đang trong nhịp tăng mạnh mẽ “chạy nước rút”. Kết phiên, nến đóng cửa thể hiện rõ được cung đang áp đảo cầu, giá đóng cửa gần với giá thấp nhất trong phiên.
Loại 2: Giá chững lại nhưng khối lượng giao dịch gia tăng mạnh. Đầu phiên và giữa phiên giao dịch cầm chừng, giao dịch trong phiên trầm lắng, biến động ít nhưng khối lượng giao dịch lại lớn hơn mọi hôm, giá đóng cửa không nhất thiết là thấp nhất phiên, đóng cửa giá có thể đỏ hoặc là một cây doji (giá đóng cửa gần bằng giá mở cửa). Loại phân phối này là khó nhận biết nhất bởi tín hiệu xảy ra không rõ ràng. Và thường xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình phân phối. Nếu bạn là người có kinh nghiệm theo dõi bảng giá trong suốt phiên giao dịch thì xác suất bạn nhận biết được phiên phân phối loại này sẽ cao hơn.
Loại 3: Giá giảm mạnh với khối lượng tăng mạnh. Đây là loại dễ nhận biết nhất, vì dễ nhận biết nên nó ít khi xảy ra, hoặc khi nó xảy ra thì thường xảy ra ở đoạn cuối của quá trình phân phối cổ phiếu.
3. Minh họa thực tế
Ví dụ 1: Cổ phiếu FPT năm 2015

Hình trên là chu kỳ tăng giảm của cổ phiếu FPT giai đoạn cuối năm 2015. Vùng phân phối là vùng được Duy Nghĩa khoanh tròn.
Vùng phân phối này có khối lượng giao dịch cao đột biến so với giai đoạn trước đó nhưng giá lại không tăng được nữa, giá chỉ biến động tăng giảm trong khoảng giá 35-37 với biên độ dao động lớn.
Phiên phân phối đầu tiên xảy ra rất kín kẽ, rất khó để có thể nhận ra phiên này nếu bạn không theo dõi bảng giá ngày hôm đó.
Biểu hiện rõ ràng hơn ở các phiên thứ 2 và thứ 3, đó là các phiên mà áp lực bán thể hiện rõ ràng khiến cho giá đóng cửa bị kéo xuống thấp nhất phiên trong khi khối lượng giao dịch vẫn giữ ở mức rất cao so với giai đoạn trước đó.
Sau 3 phiên phân phối liên tiếp, thị trường có nhịp tăng mạnh mẽ và thuyết phục ở 2 phiên sau đó. Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời phiên trước sẽ quay lại thị trường ở hai phiên này. Thậm chí quay lại với tỷ trọng margin cao hơn và sẽ bị tổn thất nặng ở 2 phiên phân phối tiếp theo. Thường thì hầu hết nhà đầu tư thua lỗ là thua lỗ ở giai đoạn này của quá trình phân phối.
Ví dụ 2: Cổ phiếu NLG 2017

NLG năm 2017 xảy ra phân phối đỉnh vào đầu tháng 8 sau 1 quá trình tăng hơn 50% kể từ đầu năm. Nhịp phân phối của cổ phiếu này diễn ra khá nhanh chóng, bất ngờ và khó nhận diện hơn các cổ phiếu khác.
Phiên đầu tiên của quá trình phân phối là phiên NLG đang tích lũy đi ngang ở nền tẳng ngắn. Việc phân phối xảy ra ở đoạn như thế này thường rất hiếm và khó nhận biết.
Sau 2 phiên phân phối ban đầu thì NLG có một nhịp kéo lên mạnh mẽ rồi mới rơi vào nhip phân phối tiếp theo. Phải đến phiên thứ 4 thì hiện tượng phân phối mới được thể hiện rõ ràng. Và tới phiên NLG bị thủng mức giá 30.000đ/1cp thì xu hướng tăng mới chính thức đảo chiều giảm.
Ví dụ 3: Cổ phiếu FCN năm 2017

Trường hợp FCN phân phối như hình trên cũng là một trường hợp khó nhận diện và dễ gây hiểu lầm. Giai đoạn phân phối này có thể khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng là một giai đoạn tích lũy đ ingang của cổ phiếu. Tuy nhiên nếu để ý kỹ và có kinh nghiệm trong việc đọc biểu đồ thì giai đoạn này bạn có thể thấy một vài dấu hiệu bất ổn mang tính phân phối cao.
Phiên đầu tiên của quá trình phân phối là một phiên giao dịch Vol cao kèm theo đó là cung áp đảo khiến cho giá phiên đó không tăng được nữa. Thực ra trước đó một phiên đã cho thấy sự nghi ngờ.
Sau phiên đầu tiên, FCN có nhịp kéo lên tiếp theo và giữ giá trong nhiều phiên liên tiếp. Nhịp giữ giá này là nhịp diễn ra các phiên phân phối tiếp theo với khối lượng giao dịch tăng mạnh mẽ nhưng giá lại nhiều lần không vượt qua được mốc 28.000đ/1cp.
Phiên phân phối rõ ràng nhất là phiên thứ 5 và thứ 6 khi mà các mốc hỗ trợ lần lượt bị xuyên thủng với vol lớn kèm theo.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quyết định mua bán của bạn là yếu tố về thị trường chung. Khi thị trường chung đi lên thì hầu hết các cổ phiếu đều đi lên và ngược lại khi thị trường chung đảo chiều giảm thì hầu hết các cổ phiếu sẽ giảm theo. Vì vậy, việc phân tích vùng phân phối của thị trường chung cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định mua bán cổ phiếu bởi đôi khi mặc dù cổ phiếu bạn nắm giữ chưa xảy ra phân phối nhưng lại không có được sự ủng hộ từ thị trường chung thì việc chốt lời cổ phiếu đó cũng là một việc nên cân nhắc đến. Dưới đây Duy Nghĩa sẽ ví dụ tới các bạn về việc nhận diện phân phối của thị trường chung thông qua việc đọc biểu đồ giá năm 2014.
Ví dụ 4: VINDEX 2014

Thị trường năm 2014 có 2 sóng lớn, sóng thứ nhất kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 3/2014; sóng 2 kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9/2014. Trong khuôn khổ bài viết không cho phép, Duy Nghĩa sẽ chỉ phân tích sóng đầu năm để các bạn theo dõi.
Phiên phân phối thứ nhất xảy ra vào giữa tháng 3. Ở phiên này dấu hiệu phân phối xảy ra chưa thực sự rõ ràng, sự rõ ràng thực sự chỉ xảy ra ở phiên phân phối thứ 3 khi mà vol cao đồng thời áp lực bán thể hiện rõ rệt.
Thị trường sau phiên này có sự nỗ lực phục hồi nhưng lập tức thấy được sự chững lại của thị trường ở 4 phiên phân phối tiếp theo khi mà thị trường giao dịch với thanh khoản lớn mà điểm số không tăng thêm được nữa.
Nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thường bán cổ phiếu ở phiên thứ 6, khi mà dấu hiệu trở nên quá rõ ràng, vol lớn kèm theo giá giảm mạnh. Sẽ thật sai lầm nếu bạn còn có niềm tin mạnh mẽ rằng thị trường sẽ lên lại. Các nhịp hồi phục của thị trường sau đó là kém thuyết phục và bị gãy khi gặp phải phiên phân phối thứ 7.
Tóm lại, việc xác định được vùng phân phối của cổ phiếu hay của thị trường đi chăng nữa là việc quan trọng và cần thiết với mỗi nhà đầu tư mặc dù việc nhận diện vùng phân phối là không dễ dàng, nhà đầu tư cần có kinh nghiệm trong việc đọc biểu đồ giá và nhìn bảng điện thì việc nhận diện mới trở nên chính xác hơn.
Trên đây, Duy Nghĩa đã hướng dẫn mọi người cách phát hiện ra giai đoạn phân phối đỉnh. Mọi người cần sự trợ giúp khi tham gia thị trường chứng khoán hoặc cần sự tư vấn mã cổ phiếu tốt, điểm mua – bạn vui lòng liên hệ với Duy Nghĩa theo thông tin sau:
Chúc mọi người đầu tư thành công!
Phạm Duy Nghĩa – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: 090 411 6979
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: xuannv.invest@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/