I.Nhận định vĩ mô về GDP Q3
Tính chung 9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ. Mục tiêu tăng trưởng cả năm dễ dàng hoàn thành – Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm là 6,7%, GDP quý cuối của năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ và đây là mức tăng trưởng có thể dễ dàng đạt được. Khi mà tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Q4 trong 5 năm gần đây là 6,87%. Và nếu giả định tăng trưởng GDP Q4 năm nay dao động từ 6,1%-6,8%, khi đó tăng trưởng cả năm sẽ vào khoảng 6,7% – 6,9%. Và cũng có thể vượt mục tiêu lên 7% hoặc 7,1%.
Kết quả này có vẻ giúp củng cố cho chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng trong Q3 của Ngân Hàng Nhà Nước – GDP Q3 có vẻ vẫn tăng trưởng rất tốt bất chấp Ngân Hàng Nhà Nước có quan điểm thận trọng hơn đối với tăng trưởng tín dụng. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng chính thức là khoảng 17%, hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại chỉ là 14%. Trong những năm trước, Ngân Hàng Nhà Nước đã lựa chọn một số ngân hàng dựa trên chất lượng tài sản và cho phép tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến hiện tại thì Ngân Hàng Nhà Nước không có động thái tương tự. Trên thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước đã gửi công văn đến các ngân hàng yêu cầu các ngân hàng tránh tăng cho vay đối với lĩnh vực có rủi ro cao hơn như BĐS, tiêu dùng và chứng khoán.
Đã có một số người lo ngại việc Ngân Hàng Nhà Nước thắt chặt chính sách sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP Q3. Tuy nhiên rõ ràng điều này đã không xảy ra cho dù tăng trưởng GDP Q3 năm nay có giảm tốc so với năm ngoái. Điểm mấu chốt ở đây là GDP Q2 đã có sự tăng tốc. HSC cho rằng (1) chính sách tiền tệ thắt chặt nói chung sẽ phải mất vài quý mới thể hiện ra trên số liệu tăng trưởng GDP (giảm tốc tăng trưởng GDP); (2) cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho vay các doanh nghiệp sản xuất khu vực FDI cũng như cho vay khu vực I (nông, lâm thủy sản) vẫn cao, trực tiếp giúp nền kinh tế tăng trưởng; (3) hiệu quả cho vay hiện cao hơn nhiều nhờ các biện pháp định tính được sử dụng nhiều hơn trong quyết định cho vay.
Ngân Hàng Nhà Nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm – Ngân Hàng Nhà Nước đang muốn kiềm chế lạm phát, quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% và giữ tỷ giá ổn định. Công cụ chính để đạt được điều này là chủ động hạn chế một chút tăng trưởng tín dụng. Và điều này có vẻ đã không mấy ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP Q3 nên nhiều khả năng Ngân Hàng Nhà Nước sẽ tự tin để tiếp tục chính sách của mình ít nhất là cho đến cuối năm. Lạm phát đã dịu xuống trong vài tháng qua và hiện đang dưới 4% (tốc độ tăng CPI so so với cùng kỳ). Tuy nhiên trước đây lạm phát thường tăng tốc trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. Do vậy Ngân Hàng Nhà Nước sẽ vẫn tỏ ra thận trọng.
Điều này sẽ ảnh hưởng một chút đến lợi nhuận của các ngân hàng nhưng chúng tôi vẫn giữ dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018 – Tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận do thu nhập lãi thuần chịu ảnh hưởng một phần từ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không lo ngại về điều này vì năm 2018 sẽ là một năm tăng trưởng đặc biệt của lợi nhuận ngành ngân hàng. Trên thực tế, tỷ lệ NIM và thu nhập ngoài lãi đang tăng lên. Trong khi đó chi phí dự phòng trích lập tăng chậm lại. Các ngân hàng còn có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên đáng kể từ: bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, bán các khoản đầu tư. Do vậy cho dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm có chậm lại so với cùng kỳ năm ngoài (và xu hướng này cũng sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm nay) thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Và ảnh hưởng có chăng ở đây là sẽ làm cho nền so sánh của năm 2019 thấp bớt xuống trong bối cảnh lợi nhuận không thường xuyên sẽ giảm bớt (vì năm nay tăng trưởng quá mạnh sẽ tạo nền so sánh rất cao cho năm 2019). HSC hiện dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8% nhờ ngành vẫn tăng trưởng cho dù trong điều kiện tăng trưởng tín dụng được thắt chặt lại một chút.
II.Nhận định vĩ mô về CPI tháng 9
Tin vĩ mô – CPI tháng 9 tăng 0,59% so với tháng liền trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ. HSC giữ nguyên dự báo lạm phát cả năm là 4,3% – Tổng cục thống kê công bố CPI tháng 9 tăng vừa phải 0,59% so với tháng liền trước, tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Như vậy tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ tháng 9 bằng với tháng 8, cho thấy xu hướng lạm phát đã ổn định trong những tháng gần đây sau khi vọt lên 4,67% trong tháng 6.
Những động lực chính góp phần vào mức tăng so với tháng liền trước của CPI tháng 9 là:
- 49 tỉnh thành nâng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-TT.
- Giá xăng tăng 2 lần liên tiếp trong tháng.
- Giá LPG tăng 2,68% so với tháng liền trước sau khi giá thế giới tăng.
- Giá thịt lợn trong nước dịu xuống chỉ tăng 0,65% so với tháng liền trước do chính phủ ban hành nghị định cấm nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan. Mặc dù giá thịt lợn hơi trong nước dịu xuống nhờ nguồn cung được cải thiện.
- Thời tiết xấu cũng đã khiến giá cả tăng do nguồn cung một số mặt hàng lương thực thực phẩm chẳng hạn như rau, gia cầm và thủy hải sản bị gián đoạn.
So với tháng liền trước, có 10 trong số 11 nhóm hàng tăng giá trong khi chỉ có 1 nhóm hàng giảm. Cụ thể:
Nhóm hàng giáo dục tăng mạnh 5,07% so với tháng liền trước – Nhóm hàng giáo dục tăng mạnh trong tháng 9, là tháng đầu năm học mới. Có 49 tỉnh thành đã nâng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-TT (qui định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục từ đầu năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021). Cụ thể nhóm hàng dịch vụ giáo dục tăng 5,75% so với tháng liền trước, đóng góp 0,3% vào CPI tháng 9. Ngoài ra, giá dụng cụ học tập cũng tăng vào năm học mới.
Nhóm hàng vận tải tăng 0,82% so với tháng liền trước – Chủ yếu do 2 đợt tăng giá xăng liên tiếp trong tháng 9, dẫn đến giá xăng bình quân tăng 1,87% so với tháng liền trước. Do đó, nhóm hàng vận tải tăng 0,82%, tác động CPI tháng 9 tăng 0,09%
Nhóm hàng lương thực và thực phẩm tăng 0,44% so với tháng liền trước – Trong đó, giá lương thực tăng 0,28% so với tháng liền trước do nhu cầu xuất khẩu tăng trong bối cảnh nguồn cung bị ảnh hưởng bởi điều tiết khí hậu không thuận lợi. Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng tăng 0,51% so với tháng liền trước do giá thit lợn, thực phẩm chế biến, thủy sản và rau củ tăng. Tiếp đó, nhóm hàng ăn ngoài cũng tăng 0,35%.
Lạm phát cốt lõi vẫn tăng rất khiêm tốn – Không bao gồm lương thực & thực phẩm, năng lượng và dịch vụ do nhà nước quản lý, CPI cốt lõi tăng 0,14% so với tháng liền trước hay tăng 1,61% so với cùng kỳ và cũng tăng 1,41% so với đầu năm.
III.Tin vĩ mô thế giới
Thị trường chứng khoán châu Á & các đồng tiền chính – Thị trường chứng khoán Châu Á hầu hết tăng trở lại hôm nay khi thị trường Phố Wall tăng vào hôm thứ 5. Về các đồng tiền, đồng USD mạnh lên hôm nay so với giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại (chỉ số đô la ICE ở vào 95,120). So với đồng USD, đồng Euro yếu đi (tỷ giá EUR/USD ở vào 1,1606); đồng Bảng Anh yếu đi (tỷ giá GBP/USD ở vào 1,3065); đồng Yên mạnh lên (tỷ giá USD/JPY ở vào 113,51); trong khi đó đồng NDT mạnh lên hôm nay (tỷ giá USD/CNY ở vào 6,8846).
Giá dầu tăng nhẹ – Giá dầu tăng nhẹ hôm nay với giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai ở vào 72,22 USD/ thùng vào cuối thời giao giao dịch trên thị trường Châu Á. Không có nhiều thông tin được công bố hôm nay và NĐT trên thị trường vẫn dự báo giá dầu sẽ tăng.
Theo một số báo cáo truyền thông đêm qua, Saudi Arabia và một số nước sản xuất dầu khác đã thảo luận về khả năng tăng sản lượng thêm khoảng 500.000 thùng/ngày phân bổ giữa OPEC và các nước sản xuất dầu khác ngoài OPEC. Và về cơ bản là Saudi Arabia, Nga và Iraq. Ngoài việc giúp trấn an NĐT trên thị trường dầu mỏ, thì thông tin này còn cho thấy rõ chênh lệch giữa mức tăng sản lượng khả dĩ và mức sản lượng khả dĩ chịu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran, theo ước tính có thể tới 1.500.000 thùng/ngày. Và mức thiếu hụt nguồn cung trong kịch bản này là 1.000.000 thùng khi xuất khẩu của Iran giảm từ 2.710.000 thùng/ngày trong tháng 5/2018 xuống khoảng 1.210.000 thùng/ngày do Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngừng nhập khẩu từ nước này. Và Trung Quốc là nước duy nhất còn mua dầu từ Iran.
Tuy nhiên đây không phải là thông tin mới và hiện tại thị trường có thể đặt những con số cụ thể lên cả hai vế của phương trình. Và có thể khẳng định khá chắc chắn rằng phần hụt cung nêu trên không thể được bù đắp trong vài tháng tới. Và dĩ nhiên, nếu phát sinh thêm nguồn cung bị thiếu hụt vì bất kỳ nguyên nhân nào, thì giá dầu sẽ tiếp tục tăng do công suất dự phòng còn lại là rất ít hoặc đã cạn kiệt. Như vậy giá trở thành biến số duy nhất có thể sử dụng để cân bằng cung cầu. Đây là kiến thức căn bản trong môn Kinh tế học 101.
Quan điểm chung hiện cho rằng tình trạng thiếu hụt là ngắn hạn. Và năm sau tình hình sẽ có sự đảo ngược. Tiếp đó, theo báo cáo công bố gần nhất, OPEC dự báo các nước sản xuất dầu bên ngoài trong nhóm OPEC+ mà chủ yếu là Mỹ sẽ tăng sản lượng thêm 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Trong khi đó nhu cầu dầu của thế giới dự báo sẽ chỉ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng nhờ sản xuất dầu đá phiến tiếp tục tăng khi các đường ống mới hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Tin vĩ mô thế giới – Bộ Thương mại Mỹ đêm qua công bố số đơn hàng tư liệu sản xuất không dùng cho mục đích quốc phòng & không tính máy bay (được coi là phản ánh sát sao xu hướng đầu tư cơ bản của doanh nghiệp) trong tháng 8 giảm 0,5% so với tháng liền trước trong khi đó số đơn hàng tháng 7 tăng 1,5% so với tháng liền trước. Tuy nhiên, đơn đặt hàng tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các lô hàng được giao tăng nhẹ 0,1% so với tháng liền trước trong tháng 8 sau khi tăng 1,1% so với tháng liền trước trong tháng 7. Kết quả này cho thấy sự giảm tốc của số liệu trên kể từ Q2 và cho thấy tăng trưởng GDP Q3 sẽ kém đi một chút.
Bộ thương mại Mỹ công bố thâm hụt thương mại hàng hóa tháng 8 tăng 3,8 tỷ USD lên 75,8 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,6% xuống còn 137,9 tỷ USD còn kim ngạch nhập khẩu tăng 0,7% lên 213,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và đồ uống giảm 9,5% (có thể là do xuất khẩu đậu nành giảm). Trung Quốc đã bắt đầu chính thức áp thuế lên đậu nành của Mỹ trong tháng trước. Nếu vậy, thì đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ảnh hưởng đáng kể đến vĩ mô của hành động áp thuế. Tuy nhiên việc các nhà bán buôn Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ đậu nành trong những tháng trước khi quyết định áp thuế chính thức áp dụng có thể lý giải một phần cho hiện tượng này.
Nguồn: HSC