Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch ngày 20/03/2018 với những diến biến không mấy tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi điều đó. Mặc dù điểm tăng không mạnh nhưng nhìn chung tâm lý nhà đầu tư vẫn khá tích cực. Áp lực bán mạnh và khiến đà tăng của cả hai chỉ số bị thu hẹp lại đáng kể, trong đó, VN-Index tiếp tục thử thách mốc 1.160 điểm thất bại.
HOSE: VN-Index tăng nhẹ 0,17 điểm (+0,01%), lên 1.159,39 điểm với 113 mã tăng, trong khi có tới 186 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 214 triệu cổ phiếu, giá trị 6.320,1 tỷ đồng, giảm 21,3% về khối lượng và 16,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,28 triệu cổ phiếu, giá trị 810,58 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào hơn 10,22 triệu cổ phiếu, giá trị 648,53 tỷ đồng, giảm 51% về khối lượng và gần 43% về giá trị so với phiên hôm qua (19/3). Ngược lại, khối này bán ra hơn 26,15 triệu cổ phiếu, giá trị 972,58 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng và giảm gần 7,5% về giá trị so với phiên hôm qua.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng hơn 15,93 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 324,05 tỷ đồng. (Phiên trước khối ngoại bán ròng hơn 3,28 triệu cổ phiếu, nhưng tổng giá trị là mua ròng 84,16 tỷ đồng.
MSN là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 15,93 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 324,05 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, MSN tăng 6.200 đồng (6,6%) lên 100.500 đồng và là cổ phiếu tác động tích cực nhất tới Index.
Top 5 cổ phiếu khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên còn có SSI (31,64 tỷ đồng), GAS (16,72 tỷ đồng), VIC (16,28 tỷ đồng), VRE (13,81 tỷ đồng).
Phía bán ròng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đứng đầu danh sách với 146,73 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là DIG (65,19 tỷ đồng), HDB (39,42 tỷ đồng), VNM (36,42 tỷ đồng), VJC (36,22 tỷ đồng).
HNX: HNX-Index tăng 1,18 điểm (+0,88%), lên 135,28 điểm với 96 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,54 triệu cổ phiếu, giá trị 986 tỷ đồng, giảm tới 36% về khối lượng và giảm 48,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,25 triệu cổ phiếu, giá trị 36,14 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào hơn 1,5 triệu cổ phiếu, giá trị 29,3 tỷ đồng, giảm hơn 82% về khối lượng và 91,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Ngược lại, khối này bán ra hơn 2,05 triệu cổ phiếu, giá trị 31,13 tỷ đồng, giảm hơn 76% về khối lượng và 91% về giá trị so với phiên hôm qua.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 554.987 cổ phiếu, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 1,83 tỷ đồng. (Phiên trước, khối ngoại bán ròng 363.801 cổ phiếu, nhưng tổng giá trị là mua ròng 2,28 tỷ đồng).
CEO là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất HNX với 7,95 tỷ đồng. Trong phiên hôm nay, CEO giao dịch khá tích cực và tăng trần lên 11.900 đồng.
Top 5 cổ phiếu khối ngoại mua ròng nhiều nhất còn có VGC (3,53 tỷ đồng), SHS (1,4 tỷ đồng), BVS (0,44 tỷ đồng), HMH (0,4 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, SHB là cổ phiếu khối ngoại bán ròng nhiều nhất phiên với 7,57 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là DBC (2,14 tỷ đồng), VCG (1,9 tỷ đồng), VIX (1,84 tỷ đồng), SPI (1,74 tỷ đồng).
Đánh giá tổng quan các ngành
- Các mã ngân hàng biến động trái chiều với ACB và VPB tăng trong khi HDB và EIB giảm.
- Các mã tài chính phi ngân hàng biến động trái chiều và giảm với BVH và VND giảm nhẹ.
- Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ biến động trái chiều với MSN và MCH tăng trong khi QNS và VNM giảm.
- Cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm hôm nay, dẫn đầu là PVS, PXS và PVD.
- Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều với BMP và TMT tăng trong khi EVE và STK giảm.
- Cổ phiếu BĐS và xây dựng biến động trái chiều với KDH và CTD tăng trong khi CII và NVL giảm.
- Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản nhìn chung giảm, ngoại trừ SBT, HAG và HNG tăng.
- Cổ phiếu ngành dược phẩm tăng tốt hôm nay, dẫn đầu là DHG tăng trần.
- Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic đồng loạt giảm với ACV và HVN giảm mạnh.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 21/03/2018
Dòng tiền dịch chuyển khỏi cổ phiếu ngân hàng và đổ vào cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng vốn trầm lắng trước đó. Và điều này xuất phát từ tin tức trên truyền thông về các kế hoạch tăng vốn và/hoặc bán cổ phần của các ngân hàng, từ đó làm dấy lên lo ngại về sự tăng mạnh của nguồn cung cũng như nguy cơ pha loãng cổ phiếu ngân hàng. Với việc mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết sắp đến gần và nhiều thông tin hỗ trợ sẽ dần được công bố, nên nhìn chung thị trường đang diễn ra với những diễn biến khá tích cực.
Dự báo, trong phiên giao dịch 21/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 1.160 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh, rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ tỏng danh mục.
Nhà đầu tư trung và dài hạn nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể căn những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tích cực trong năm 2018″.