Trong phiên giao dịch sáng, sau khi lình xình quanh tham chiếu trong nửa phiên đầu, VN-Index đã yếu đà trong nửa cuối phiên khi dòng tiền thận trọng, trong khi lực bán tại các mã bluechip khác mạnh.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lượng dư bán giá thấp của phiên trước đẩy VN-Index thoái lui nhẹ ngay đầu phiên, nhưng sau đó, nhờ sự hồi phục của một số mã bluechip, nhất là VHM, VNM, giúp VN-Index hồi dần trở lại, lên sát ngưỡng tham chiếu sau khoảng 45 phút giao dịch. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực cung ồ ạt được tung ra khiến VN-Index quay đầu lao mạnh, sau khi cố gắng hãm đà rơi trước khi chốt đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số này lại thoái lui và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày do lực bán trong đợt ATC gia tăng trở lại.
Thanh khoản thị trường phiên giao dịch cuối tháng giảm nhẹ với tổng khối lượng giao dịch đạt 231,07 triệu cổ phiếu, trị giá 4738,41 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index ngày 04/09/2018
HOSE: Chốt phiên 4/9, VN-Index giảm 13,60 điểm (1,37%), xuống 975,94 điểm với 105 mã tăng và 190 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 185,94 triệu đơn vị, giá trị 3.987,41 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm 17% về giá trị so với phiên cuối tháng 8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,8 triệu đơn vị, giá trị 344,24 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào 6,71 đơn vị, giá trị 343,59 tỷ đồng, giảm 53,81% về khối lượng và 68,17% về giá trị so với phiên cuối tháng 8. Ngược lại, khối này bán ra 11,3 triệu đơn vị, giá trị 357,56 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 68,27% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 4,58 triệu đơn vị, tăng gấp hơn 7,7 lần so với phiên trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 13,97 tỷ đồng, giảm mạnh 70,54% so với phiên trước.
Top giao dịch khối ngoại sàn HOSE ngày 04/09/2018
MSN là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 37,63 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là YEG (29,66 tỷ đồng), VCB (29,54 tỷ đồng), VJC (10,73 tỷ đồng), DXG (8,89 tỷ đồng). Trong đó, YEG có giao dịch nổi bật nhất khi tăng trần lên 209.700 đồng, ngược lại VJC bất ngờ giảm sàn xuống 145.100 đồng trong những phút cuối phiên.
Ở chiều ngược lại, VNM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 41,89 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, VNM dừng tại mốc tham chiếu 156.700 đồng. Các cổ phiếu khác trong top bán ròng của khối ngoại còn có VRE (30,79 tỷ đồng), BID (20,51 tỷ đồng), NVL (17,11 tỷ đồng), SCR (10,09 tỷ đồng).
HNX: Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,4 điểm (-1,24%), xuống 111,4 điểm với 70 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,13 triệu đơn vị, giá trị 751 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng, nhưng tăng 16,4% về giá trị so với phiên cuối tháng 8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,59 triệu đơn vị, giá trị 20,58 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào 1,84 triệu đơn vị, giá trị 32,37 tỷ đồng, giảm 17,52% về khối lượng và 14,41% về giá trị so với phiên trước. Ngược lại, khối này bán ra 1,57 triệu đơn vị, giá trị 14,15 tỷ đồng, tăng 98,27% về khối lượng và tăng hơn 108% về giá trị so với phiên trước.
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng 264.810 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 18,22 tỷ đồng, giảm 81,53% về lượng và 41,26% về giá trị so với phiên trước.
Top giao dịch khối ngoại sàn HNX ngày 04/09/2018
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh nhất VGC với khối lượng 1,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 27,77 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2, DBC được mua ròng 51.700 đơn vị, giá trị 1,46 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NDN dẫn đầu danh mục với khối lượng bán ròng 317.700 đơn vị, giá trị 4,35 tỷ đồng. Tiếp đó là PVS với 187.900 đơn vị, giá trị hơn 4 tỷ đồng và TIG với 849.800 đơn vị, giá trị 2,57 tỷ đồng.
Đánh giá tổng quan các ngành
• Các mã ngân hàng đồng loạt giảm hôm nay, dẫn đầu là BID và CTG.
• Các mã tài chính phi ngân hàng cũng giảm hôm nay, với VND và VCI giảm mạnh nhất.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ cũng giảm, với chỉ KDF và KDC tăng ổn đinh đồng thời MCH cũng đóng cửa tăng. VNM đi ngang trong khi các mã còn lại khác giảm.
• Cổ phiếu ngành công nghệ biến động trái chiều với YEG tăng trần và FPT giảm nhẹ.
• Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều với DQC và TCM tăng, trong khi AAA và HPG giảm mạnh nhất. EVE đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu dầu khí cũng biến động trái chiều với PVS và PXS tăng mạnh, trong khi PVD và PLX giảm. GAS đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu BĐS và xây dựng biến động trái chiều với DXG; VRE và NLG giảm nhiều nhất. SJS tăng mạnh, tuy nhiên số mã giảm áp đảo số mã tăng.
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều và giảm hôm nay, với VHC, DPM và PAN tăng, trong khi BFC, GTN, HAG và SBT giảm. VFG và HNG đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu ngành dược phẩm tiếp tục tăng, mặc dù DMC giảm.
• Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic, ngoại trừ VSH tăng và VNS đóng cửa tại tham chiếu đồng loạt giảm trong đó VJC giảm sàn.
Nhận định thị trường 05/09 – Điều chỉnh giảm tích lũy trong ngắn hạn
Với việc ngành ngân hàng đang phải chịu tác động của chỉ thị siết chặt tăng trưởng tín dụng đầu ra, giữ nguyên lãi suất cho vay trong khi lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng đồng loạt ở nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng sẽ tác động khá mạnh đến thị trường trong nửa đầu tháng 9 khiến tâm lý thận trọng được đẩy lên cao làm mờ hẳn đi sự tích cực của diễn biến tăng mạnh của giá dầu như: Khả năng áp thuế bổ sung thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi kết thúc thời gian tham khảo ý kiến vào ngày 6/9 với mức thuế dự kiến từ 10 đến 25%; Các thông tin quan trọng ở các thị trường lớn bao gồm PMI, thay đổi lao động phi nông nghiệp, tồn kho dầu, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ và cán cân thương mại của Trung Quốc …
Vì vậy Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang vận động tích lũy nhờ mặt bằng định giá rẻ và sự điều chỉnh giảm mang tính ngắn hạn.
Khuyến nghị: Giữ danh mục cân bằng với tỷ trọng tiền mặt ở mức nhất định để duy trì sự linh hoạt với các diễn biến mới có ảnh hưởng mạnh. Ưu tiên cổ phiếu đầu ngành có triển vọng tích cực cho danh mục trung hạn. Hạn chế mua đuổi các vùng giá cao ở những nhịp hưng phấn trong phiên.