Ở bài trước Đức Hùng đã chia sẻ với các bạn về các đường trung bình động và xu thế, ở bài viết hôm nay Đức Hùng tiếp tục gửi tới các bạn một công cụ cơ bản cũng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng phân tích kỹ thuật bởi tính hiệu quả cao và đơn giản của nó. Đó là dải Bollinger Bands.
1. Bollinger Bands là gì?
Bollinger Bands là công cụ kết hợp giữa đường trung bình động Moving Average (MA) và độ lệch chuẩn. Bollinger Bands là công cụ phân tích kỹ thuật có nhiều tác dụng và rất có giá trị cho nhà đầu tư.
Có 3 thành phần cơ bản trong chỉ báo Bollinger Bands:
- Đường trung bình (Moving Average) hay Middle: sử dụng mặc định 20 phiên; SMA (20)
- Dải trên (Upper Bands): dải trên thường có độ lệch chuẩn là 2, được tính toán từ dữ liệu giá 20 phiên. Có vị trí nằm trên đường trung bình SMA (20).
- Dải dưới (Lower Bands): dải dưới thường có độ lệch chuẩn là 2 và nằm dưới đường trung bình SMA (20)
Số kỳ sử dụng không nhất thiết phải là 20 ngày. Trong nhiều trường hợp thực tế số kỳ 10 hoặc 15 ngày tỏ ra hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, điều này phục thuộc chặt chẽ vào cổ phiếu cụ thể cần phân tích.
Giá trị cốt lõi của Bollinger Bands là để đo sự biến động của thị trường, về cơ bản giúp chúng ta biết được thị trường đang biến động nhiều hay ít. Khi giá ít có sự biến động, thì dải trên và dải dưới có xu hướng thắt chặt, tiến lại gần nhau hơn, dải Bollinger sẽ bó hẹp lại. Ngược lại khi 2 dải trên và dưới có xu hướng mở rộng ra, tách xa nhau thì cho ta thấy giá đang có sự biến động mạnh.
Đó là những thông tin cơ bản về Bollinger Bands. Bài viết không đi sâu vào lịch sử của Bollinger Bands, cách tính toán, các công thức toán học của nó, … những điều này có thể làm bạn cảm thấy chán nản, phức tạp. Điều đó là không cần thiết, thực tế hiện nay trên các phần mềm hỗ trợ phân tích kỹ thuật ta có thể dễ dàng để sử dụng chúng do đó bạn không cần phải biết tất cả những điều đó. Chúng tôi ở đây là chỉ cho bạn một số cách để áp dụng Bollinger Bandss vào giao dịch của chính mình để đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
2. Tính chất của Bollinger Bands
Có nhiều chỉ báo để xác định điểm hỗ trợ và kháng cự như Fibonance, Trung bình động…. Tuy nhiên Bollinger Bands hoạt động như các mức hỗ trợ và kháng cự mạnh nhất. Bollinger Bands được ví như một con đường ngoằn nghèo, uốn khúc, là phạm vi hoạt động của đường giá và đường giá là phương tiện đang lưu thông trên con đường đó. Rất hiếm khi đường giá di chuyển ra khỏi đường Bollinger Bands. Giá luôn có xu hướng hướng về đường trung tâm của Bollinger Bands. Mỗi khi giá có xu hướng lao ra ngoài dải Bollinger đều phải quay đầu lại.
Xem thêm:
- Hướng dẫn phân tích kỹ thuật: cách đọc biểu đồ nến Nhật (Phần 1)
- Hướng dẫn phân tích kỹ thuật trong đầu tư Chứng khoán
3. Cách sử dụng đường Bollinger Bands trong đầu tư chứng khoán.
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có những quan điểm sử dụng đường Bollinger Bands
Quan điểm 1:
- Tín hiệu mua: nhà đầu tư mua hoặc mua rải khi đường giá rớt thấp hơn dải dưới của Bollinger Bands.
- Tín hiệu bán: nhà đầu tư bán hoặc bắt đầu ngừng mua rải khi đường giá nằm ngoài dải trên của Bollinger Bands.
Nhà đầu tư nên mua hay bán khi đường giá đụng vào các dải của Bollinger Bands. Nhà đầu tư cũng nên chờ xem khi đường giá di chuyển nằm ngoài trên hoặc dưới đường Bollinger Bandss và sau đó giá đóng cửa lại nhảy vào trong đường Bollinger Bandss thì đây là cơ hội mua hoặc bán. Cách mua bán trên là cách để giảm bớt thua lỗ khi đường giá thoát ra khỏi đường Bollinger Bandss trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cách này cũng bỏ qua nhiều cơ hội sinh lời.
Quan điểm 2:
Một thái cực khác hẳn với cách trên là cách sử dụng vượt ngưỡng của dải Bollinger Bands theo Quan điểm 1:
Về cơ bản thì đây là phương pháp trái ngược hẳn và có nhiều điểm ưu thế hơn Quan điểm 1. Điều kiện cần trước khi vượt ngưỡng thì phải có nhiều phiên củng cố mức giá ngưỡng. Nếu giá đóng cửa nằm ngoài đường Bollinger Bands thì chúng ta phải sử dụng các chỉ báo khác và đồng thời sử dụng đường hỗ trợ hay kháng cự để ra quyết định phù hợp.
- Tín hiệu mua: đường giá phải nằm cao hơn dải trên của Bollinger Bands và trước đó đã có nhiều phiên củng cố mức giá này. Các chỉ báo khác cũng xác nhận điều tương tự trên. (Giá bám dải Bollinger trên đi lên).
- Tín hiệu bán: đường giá nằm thấp hơn dải dưới của Bollinger Bands và trước đó đã có nhiều phiên củng cố điều này. Các chỉ báo khác cũng ám chỉ điều này. (Giá bám dải Bollinger dưới đi xuống).
Quan điểm 3:
Sử dụng đường Middle: Tín hiệu mua xuất hiện khi giá chứng khoán vượt lên trên đường Middle và tín hiệu bán xuất hiện khi giá chứng khoán giảm xuống dưới đường này.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý trung bình động thuộc nhóm chỉ báo cho tín hiệu trễ (lagging indicators) nên Bollinger Bands không giúp nhà đầu tư mua đúng tại đáy hoặc bán đúng tại đỉnh. Thay vào đó, hệ thống này giúp chúng ta nắm bắt đúng xu hướng của giá bằng cách cho tín hiệu mua ngay sau khi giá tạo đáy và cho tín hiệu bán ngay sau khi giá đạt đỉnh.
Quan điểm 4:
Hiện tượng nút thắt cổ chai: Hiện tượng “thắt nút cổ chai” được chú ý nhiều hơn do có tính ứng dụng cao và đem lại hiệu quả đáng kể đối với người sử dụng.
Khi Upper Band và Lower Band co thắt lại thì đó là dấu hiệu cảnh báo sắp có một sự biến động giá mạnh trong tương lai gần sau thời gian tích lũy đủ. Tùy vào vị trí của giá so với đường middle (moving average) mà nhà đầu tư có thể dự đoán hướng biến động trong tương lai. Thông thường thì sau khi bung nén giá sẽ bám vào Upper Band hoặc Lower Band.
Quan điểm 5: Bollinger Bands và mô hình hai đáy, hai đỉnh
Một chiến thuật sử dụng Bollinger Bands thường thấy là sử dụng nó cùng với mô hình 2 đáy. Đáy đầu tiên của sự thiết lập này có xu hướng đi kèm với khối lượng lớn, giá giảm mạnh, vượt ra khỏi dải Bollinger Bands. Những loại diễn biến này thường đi kèm với một đợt hồi phục tự động. Đỉnh của đợt hồi phục này sẽ trở thành ngưỡng kháng cự đầu tiên phải vượt qua trước khi giá muốn tăng lên cao hơn. Sau đợt hồi phục này, đường giá cố gắng quay lại mức thấp nhất được thiết lập gần đây để kiểm tra áp lực mua ở đáy này. Nhiều nhà đầu tư sử dụng Bollinger Bands tìm kiếm trong dải dưới nến “kiểm tra” này. Nó biểu thị rằng áp lực bán đã giảm xuống và hiện đang có sự thay đổi vị trí từ người bán sang người mua. Bạn cần chú ý đến khối lượng để chắc rằng nó đã giảm đáng kể.
Bollinger Bands và mô hình hai đỉnh diễn ra theo chiều hướng ngược lại, các bạn có thể dễ dàng hình dung ra.
Lưu ý: Bollinger Bands cũng có thể được sử dụng để đo cường độ hướng đi của xu hướng giá:
– Xu hướng giá tăng mạnh khi đường giá có khuynh hướng luôn nằm nửa trên của Bollinger Bands, tức là phạm vi giữa dải trên và đường trung bình SMA(20). Lúc đó, SMA(20) là đường hỗ trợ động cho xu hướng giá.
– Ngược lại, xu hướng giảm giá mạnh xảy ra khi đường giá thấp hơn nửa dưới của Bollinger Bands; được giới hạn bởi đường trung bình SMA(20) và dải dưới của Bollinger Bands. Lúc này SMA(20) sẽ là đường kháng cự động cho xu hướng giá.
Nhà đầu tư muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về đầu tư chứng khoán, liên hệ với Đức Hùng theo địa chỉ sau:
Nguyễn Đức Hùng – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: (+84) 968 231 294
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: dautuphatdat@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/