Ngày 24/6/2009, UPCoM đã chính thức khai trương với sứ mệnh phát triển thị trường giao dịch tập trung cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết. Sàn UPCoM là trạm trung chuyển cho doanh nghiệp từ thị trường giao dịch phi tập trung sang 2 sàn lớn là HOSE và HNX. Đây là thành quả thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường trong việc phát triển thị trường công khai, minh bạch. Trong bài viết này, Duy Nghĩa sẽ chia sẻ kiến thức về Đầu tư chứng khoán tại sàn UpCom và những điều cần biết.
Sàn UpCom
Hiện nay, UPCoM bao gồm chứng khoán của các công ty chưa niêm yết hoặc đã bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán đã đăng ký và được chấp thuận giao dịch trên UPCoM. Sàn UPCoM đang đạt hơn 500 cổ phiếu, vượt qua cả sàn HoSE lẫn sàn HNX về số lượng doanh nghiệp tham gia. Không những bùng nổ về số lượng thành viên, sàn UPCoM còn tiếp đón nhiều gương mặt nổi trội. Có thể kể ra các tên tuổi như: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Mía đường Quảng Ngãi (QNS), Vietnam Airlines (HVN), Vinatex (VGT), FPT Telecom (FOX), Ngân hàng VIB (VIB). Có vẻ như UPCoM đang là địa điểm lý tưởng cho các công ty khi muốn lên sàn.
Nếu như trước đây, thị trường giao dịch chứng khoán của các các công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết (UPCoM) ít được doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm vì lo ngại sẽ có nhiều rủi ro khi đầu tư các cổ phiếu trên sàn này, thì hiện nay, thị trường UPCoM lại đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận khi họ biết “đãi cát tìm vàng” trên sàn này.
Ngày 9/1/2017, Ngân hàng Quốc tế (VIB) niêm yết trên sàn UPCoM hơn 564 triệu cổ phiếu với mức giá 18.500đ/CP. Nếu tính theo mức giá đóng cửa ngày 1/9 vừa qua là 21.800đ/CP thì những nhà đầu tư đã có suất sinh lời 18,4%, chưa tính phần cổ tức tiền mặt được chia ở tỷ lệ 5% vào đầu tháng 6 vừa rồi. Trong 8 tháng qua, mức thấp nhất của cổ phiếu VIB là 13.500đ/CP trong khi mức cao nhất là 25.300đ/CP, như vậy nhà đầu tư chọn được điểm ra vào hợp lý có thể đạt mức sinh lời tối đa đến 87%.
Nhờ vào quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) buộc các DN phải đăng ký giao dịch cổ phần sau cổ phần hóa trên UPCoM, tốc độ gia tăng quy mô của UPCoM có thể sẽ còn mạnh hơn nữa. Sắp tới sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào sàn niêm yết này khi các cơ quan quản lý thắt chặt việc tuân thủ các quy định yêu cầu cổ phần hóa (CPH) gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như ngày càng có nhiều CTĐC nhìn thấy lợi ích khi có giá cổ phiếu minh bạch hơn.
Trước khi UPCoM ra đời, giao dịch cổ phiếu của các CTĐC chưa niêm yết chủ yếu được thực hiện trên thị trường tự do. Các nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro về thông tin, giá cả và đặc biệt là rủi ro trong thanh toán khi tham gia vào các giao dịch. Việc tìm kiếm thông tin về các CTĐC chưa niêm yết cổ phiếu cũng rất khó khăn. Vì vậy, UPCoM được ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư. Nhờ có thị trường UPCoM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp qua hệ thống công bố thông tin (CBTT) của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và của doanh nghiệp. Việc giao dịch tập trung cổ phiếu qua hệ thống giao dịch của HNX cũng được thực hiện dễ dàng và an toàn hơn cho cả người mua và người bán.
Tính đến hết ngày 05/6/2017, trên thị trường UPCoM có 547 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD) cổ phiếu với tổng giá trị hơn 351,67 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường trên 417,8 nghìn tỷ đồng. Riêng trong hơn 5 tháng đầu năm 2017, UPCoM đã có thêm 132 doanh nghiệp ĐKGD mới. Tính bình quân, khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 10,59 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch (GTGD) đạt 197,7 tỷ đồng/phiên (tăng xấp xỉ 10% về KLGD và 62% về GTGD so với nửa đầu năm 2016).
Mặc dù UPCoM đã có sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp tham gia ĐKGD cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa thị trường, nhưng thanh khoản trên thị trường UPCoM lại khá khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc các DNNN thoái vốn nhưng phần nắm giữ của Nhà nước vẫn rất lớn khiến cho lượng cổ phiếu lưu hành rất thấp. Nhiều hàng hóa có chất lượng mà nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài rất quan tâm nhưng không có cơ hội nắm giữ. Một nguyên nhân khác là do yêu cầu cân bằng thị trường đối với các doanh nghiệp UPCoM thấp hơn so với doanh nghiệp niêm yết nên nhà đầu tư cảm thấy có ít thông tin về cổ phiếu UPCoM, chính vì vậy UPCoM vẫn bị đánh giá là thiếu minh bạch. Đây có lẽ là lý do giải thích vì sao nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) – một trong những yếu tố thúc đẩy thanh khoản trên TTCK, vẫn chưa thực sự “nhiệt tình” với cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Theo đó, HNX sẽ có các chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp mới lên UPCoM, cũng như tăng cường chất lượng CBTT và đưa quy định về nhà tạo lập thị trường với cơ chế ưu đãi phí cho công ty chứng khoán thực hiện giao dịch tạo lập thị trường (quy định về phí giao dịch mới vừa được Bộ Tài chính ban hành đã cho phép phí dành cho nhà tạo lập thị trường chỉ bằng 20% so với phí giao dịch tự doanh), duy trì biên độ dao động giá cao, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up)… để tăng sức hấp dẫn cho thị trường này.
Đặc biệt, ngày 19/5/2017, HNX đã ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu hiện có và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại một lượng hàng hóa lớn tham gia sàn UPCoM trong thời gian tới, tăng cường giám sát việc CBTT của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô vốn lớn. Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh quy mô thị trường UPCoM ngày càng lớn như hiện nay, việc phân loại theo tiêu chí vốn chủ sở hữu sẽ phản ánh tốt hơn tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nhờ đó sẽ có thêm cơ hội để soi chiếu chính xác hơn về sức khỏe thực sự hiện thời của doanh nghiệp, tránh việc đầu tư chưa chuẩn xác vào những doanh nghiệp giấu lỗ, giả lãi.
Khảo sát sơ lược các tổ chức và quỹ đầu tư thì đều cùng cho biết, họ vẫn ưa chuộng đầu tư tại sàn HoSE, HNX hơn. Bởi đây là những sàn đã được thanh lọc bước đầu về điều kiện niêm yết và chuẩn mực trong công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp. Thực tế cũng minh chứng, khi đã cứng cáp hơn và muốn vươn xa hơn trong thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, các công ty ở sàn UPCoM như Habeco đã quyết định chuyển sàn niêm yết. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, một sàn như UPCoM vẫn rất cần thiết và quan trọng, để các công ty tiến hành những bước đệm, tập dượt làm quen trước khi tham gia sàn đấu chính thức và nghiêm ngặt là HoSE hay HNX. Như vậy, nhà đầu tư vẫn hoàn toàn có thể tham gia đầu tư vào sàn UpCom – một sàn ngày càng hấp dẫn sau khi đã tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp.
Nhà đầu tư muốn tìm hiểu kiến thức thị trường và thông tin doanh nghiệp trên thị trường UPCoM, liên hệ với Duy Nghĩa để được giải đáp và tư vấn.
Phạm Duy Nghĩa – Chuyên viên Phân tích và Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo / Viber: 090 411 6979
Fanpage: Chungkhoanonline.vn
Email: duynghiachungkhoan@gmail.com
Nguồn: https://chungkhoanonline.vn/