Mỹ đưa ra đòi hỏi ngày càng lớn, đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại khó có thể sớm kết thúc..
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng hơn. Sau mấy tháng cân nhắc rủi ro và đưa ra những cảnh báo, phe “diều hâu” trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thắng thế trước phái ôn hòa – hãng tin Bloomberg nhận định.
Vòng đàm phán thương mại diễn ra vào tuần trước ở Washington giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc không mang lại hiệu quả gì, và điều này được xem là một tín hiệu rằng hai bên sẽ không sớm “ngừng bắn”. Sắp tới, Mỹ có thể sẽ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng đáp trả.
“Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến thương mại leo thang trong mấy tháng tới”, chuyên gia David Dollar thuộc Brookings Institution nhận định.
Tuần trước, trong lúc quan chức hai nước đang đàm phán, Mỹ đã áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc ngay lập tức áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Mỹ để trả đũa.
Hôm thứ Sáu, ông Trump kêu gọi áp thêm hạn chế mới lên vốn đầu tư từ Trung Quốc. “Đến nay, chúng ta vẫn chưa chú trọng đầy đủ vấn đề với Trung Quốc. Điều đó đã diễn ra quá lâu rồi”, ông Trump nói tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, khi ký thông qua một đạo luật gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – cơ quan có quyền chặn các vụ thâu tóm trên cơ sở an ninh quốc gia.
Vào hôm thứ Sáu, các quan chức Mỹ đã gặp đối tác từ châu Âu và Nhật Bản tại Washington để bàn cách buộc Trung Quốc phải có sự thay đổi chính sách.
Tất cả những diễn biến này được giới phân tích được xem là thắng lợi thuộc về phe có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền ông Trump.
Chuyên gia về Trung Quốc Scott Kennedy thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách (CSIS) ở Washington nói rằng chiến thắng của phái “diều hâu” còn phản ánh trong sự gia tăng các yêu cầu mà Mỹ đưa ra với Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Hồi đầu năm, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Bắc Kinh đàm phán các đây mấy tháng, một ưu tiên chính là đảm bảo rằng Trung Quốc tiếp tục tăng mua đậu tương, khí đôt và các hàng hóa khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, mục tiêu của chính quyền Trump đã lớn hơn nhiều. Washington đòi hỏi Trung Quốc phải có những thay đổi cơ cấu trong chính sách, chẳng hạn chấm dứt trợ cấp công nghiệp và tình trạng mà Mỹ cho là Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ. Đây là những vấn đề được thúc đẩy bởi những nhân vật “diều hâu” gồm đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
Đòi hỏi ngày càng lớn đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại khó có thể sớm kết thúc.
Ngoài ra, sức tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ hiện nay có thể tạo điều kiện cho chính quyền ông Trump đẩy cuộc chiến thương mại leo thang. Các doanh nghiệp Mỹ phàn nàn về thuế quan, nhưng cũng đang hưởng lợi từ chương trình cắt giảm thuế của ông Trump. Chuyên gia Dollar của Brookings Institution nói rằng ảnh hưởng thực sự của thuế quan đối với kinh tế Mỹ phải đến năm 2019 mới được thể hiện rõ rệt.
Gần đây, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đề cập đến chiến tranh thương mại như một rủi ro không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng không phải là trong thời gian trước mắt.
Hôm thứ Sáu, Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra dự báo tại hội nghị FED ở Jackson Hole rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và tốc độ tăng lãi suất từ tốn sẽ được duy trì. Trong bài phát biểu này, ông Jerome không đề cập đến chiến tranh thương mại.
Nguồn: VnEconomy