Sự kiện: ĐHCĐ tổ chức vào ngày 14/7/2021
HVN vừa tổ chức ĐHCĐ vào ngày 14/7/2021. Cổ đông tham dự đầy đủ và tất cả tờ trình đều được thông qua. Các thông tin chính từ ĐHCĐ bao gồm: KQKD Q2/2021, chi tiết kế hoạch phát hành cổ phiếu mới, kế hoạch kinh doanh năm 2021, và đề xuất bán tàu bay cũ ATR72. Thông tin chi tiết như sau:
Thêm một quý lỗ thuần kỷ lục trong Q2/2021 do nhu cầu thấp
Cổ phiếu HVN lỗ thuần 5.899 tỷ đồng trong Q2/2021 so với lỗ 3.944 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoài và so với dự báo của chúng tôi là 5.200 tỷ đồng. Lỗ thực tế lớn hơn dự báo do tác động nghiêm trọng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bắt đầu từ 27/4/2021 và hiện đã lan rộng ra 58/63 tỉnh/thành phố với tổng số ca lây nhiễm tính tới hiện tại là 33.035 ca. Theo đó, số lượng chuyến bay duy trì ở mức rất thấp và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Trong nửa đầu năm 2021, HVN lỗ thuần lũy kế 10.788 tỷ đồng so với 6.534 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.
BLĐ đặt mục tiêu giảm lỗ trong nửa cuối năm 2021 nhờ giảm chi phí
HVN đặt kế hoạch năm 2021 lỗ 14.526 tỷ đồng so với lỗ 10,927 tỷ đồng trong năm 2020. Điều này cho thấy HVN đặt kế hoạch lỗ thuần trong nửa cuối năm 2021 thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm là 3.738 tỷ đồng, một phần tới từ thay đổi hạch toán chi phí khấu hao như trình bày dưới đây:
- HVN hiện đang xin được duyệt thay đổi phương pháp hạch toán khấu hao: dựa trên số giờ hoạt động thực tế của máy bay, thay vì áp dụng phương pháp đường thẳng trong nửa đầu năm 2021, theo đó giúp giảm chi phí khấu hao. HVN kỳ vọng điều này sẽ được chấp thuận trong Q4/2021 và khoản chi phí khấu hao được giảm cho cả năm 2021 sẽ được khấu trừ vào chi phí trong Q4/2021.
- Điều này tương tự như năm 2020, HVN hạch toán khấu hao theo phương pháp đường thẳng trong 9 tháng đầu năm 2020 và sau đó thay đổi phương pháp hạch toán trong Q4/2020 khiến chi phí giảm mạnh 2.181 tỷ đồng. Nhờ đó, HVN chỉ lỗ thuần 372 tỷ đồng trong Q4/2020 so với lỗ bình quân 3.482 tỷ đồng/quý trong 9 tháng đầu năm 2020.
- HSC hiện ước tính việc thay đổi phương pháp hạch toán khấu hao sẽ giúp HVN giảm 2.347 tỷ đồng chi phí khấu hao trong năm 2021.
Rủi ro thanh khoản giảm nhờ hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong nửa cuối 2021
Gói giải cứu của Chính phủ đối với HVN bao gồm khoản vay tái cấp vốn là 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu mới để nâng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể như sau:
- Khoản vay tái cấp vốn: Vào ngày 7/7/2021, HVN đã ký hợp đồng với 3 ngân hàng – SeaBank (SSB; Không xếp hạng), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSN; Không xếp hạng) và Ngân hạng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB; Không xếp hạng) – với tổng giá trị khoản vay là 4.000 tỷ đồng. Theo HVN, Công ty sẽ giải ngân khoản vay này để thanh toán các khoản phải trả cho nhà cung cấp.
- Phát hành cổ phiếu mới: HVN sẽ phát hành 800 triệu cổ phiếu mới, tương đương 56,4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại mệnh giá cho các cổ đông hiện hữu để thu về 8.000 tỷ đồng. Thời điểm phát hành dự kiến sẽ trong Q3-Q4/2021 sau khi được chấp thuận bởi UBCK Việt Nam.
Đại diện của Chính phủ, SCIC sẽ mua vào 86,19% cổ phiếu mới (theo đó tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại HVN không thay đổi). Khoản vốn huy động được sẽ được dùng để thanh toán nợ và tăng vốn lưu động.
Các khoản hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp HVN giảm rủi ro về thanh toán nợ trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngoài ra, nhờ số lượng cổ phiếu mới được phát hành, rủi ro bị hủy niêm yết do âm vốn CSH sẽ giảm, khi chúng tôi ước tính vốn VSH sẽ dương trở lại vào thời điểm cuối năm 2021 (từ mức âm hiện tại do lỗ lớn trong nửa đầu năm 2021). Lưu ý, mô hình dự báo của chúng tôi đã bao gồm cả khoản vay tái cấp vốn và cổ phiếu mới được phát hành.
Kế hoạch bán máy bay để tăng dòng tiền
Trong ĐHCĐ, HVN cũng trình kế hoạch bán 6 máy bay ATR72 cũ (12 năm tuổi). Các tàu bay này có giá trị sổ sách khoảng 3,5-4,3 triệu USD/tàu bay. Theo HVN, giá thị trường của mỗi chiếc tàu bay này vào khoảng 5,15-8,7 triệu USD. Theo đó, hoạt động này có thể đem lại 5,1-31,2 triệu USD lợi nhuận nếu thực hiện bán thành công.
Lưu ý, bên cạnh tàu bay ATR72, HVN cũng công bố kế hoạch bán 7 tàu bay A321 thông qua đấu giá. Chúng tôi hiểu rằng điều này là để cải thiện dòng tiền và giảm chi phí bảo trì thay vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, với tình hình nhu cầu của ngành hàng không ở mức thấp như hiện nay, kế hoạch bán tàu bay của HVN sẽ gặp nhiều thách thức. Mô hình dự báo của chúng tôi chưa bao gồm các khoản thu từ việc bán tàu bay này.
HSC duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị
HSC duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng với giá mục tiêu là 23.600đ đối với HVN, giá mục tiêu thấp hơn 8,2% so với thị giá hiện tại. Chúng tôi cũng duy trì dự báo lỗ thuần năm 2021 và 2022 lần lượt là 13.812 tỷ đồng và 3.478 tỷ đồng.
HVN hiện giao dịch với EV/EBITDAR là 41,9 lần (năm 2021) và 11,3 lần (EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm) – so với mức bình quân dự phóng là 10,6 lần (tính từ đầu năm 2017).
Triển vọng của HVN vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng COVID[1]19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam.
Nguồn: HSC