Sự kiện: Hội thảo chuyên viên phân tích ngày 16/8/2021
Chiều ngày 16/8/2021, BMP đã cập nhật thông tin về hoạt động hiện tại cho các chuyên viên phân tích. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã tác động tiêu cực đến nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước do một số tỉnh thành trọng điểm, chủ yếu ở miền Nam Việt Nam, đang phải thực hiện các biện pháp phong tỏa. Thông tin cụ thể như sau.
Nhu cầu sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục
Sản lượng tiêu thụ tháng 7/2021 giảm 46,2% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 5.013 tấn ống nhựa, theo đó doanh thu chỉ là 244 tỷ đồng (giảm 38,7% so với cùng kỳ). Hầu hết doanh thu được thực hiện trong 2 tuần đầu tháng 7/2021, trong khi nửa cuối tháng 7/2021, nhu cầu ở mức thấp kỷ lục do tác động của các biện pháp phong tỏa.
Với nhu cầu tiêu thụ ống nhựa trong nước thấp, BMP lỗ thuần 3,7 tỷ đồng trong tháng 7/2021 so với lợi nhuận thuần 72 tỷ đồng trong tháng 7/2020.
Nhu cầu tiếp tục giảm trong tháng 8/2021; các biện pháp phong tỏa sẽ tiếp tục được áp dụng ít nhất cho tới ngày 15/9/2021 đối với TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tại cuộc thảo luận, BMP đã công bố sản lượng tiêu thụ 664 tấn ống nhựa và doanh thu chỉ là 34 tỷ đồng trong 15 ngày đầu tháng 8/2021.
Trong cả tháng 8/2021, Cổ phiếu BMP dự kiến sẽ tiêu thụ được tổng cộng 1.400 tấn ống nhựa, tương đương doanh thu là 70 tỷ đồng, kết quả này tương đương 20% so với kết quả tháng 8/2020 và 20% kế hoạch tháng 8/2021 của Công ty. Theo đó, Công ty sẽ lỗ thuần lớn hơn trong tháng 8/2021 so với tháng 7/2021.
BMP kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam khác. KQKD Q3/2021 dự kiến sẽ rất thấp; HSC đã dự báo cụ thể trong báo cáo “Phía sau đại dịch” ngày 1/8/2021.
Bảng 1: KQKD T7/2021 và 7 tháng đầu năm 2021, BMP
Nhà máy hoạt động với công suất 15-20%
BMP có nhà máy tại 4 tỉnh trên khắp Việt Nam. Trong đó:
- Nhà máy tại TP.HCM đã ngừng sản xuất vào giữa tháng 7/2021 và sẽ chỉ hoạt động trở lại sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Công ty đã tích trữ hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến sau giai đoạn phong tỏa.
- Các nhà máy trọng điểm đặt tại các tỉnh Bình Dương và Long An tại miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động nhờ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Tuy nhiên, do nhu cầu giảm, hiệu suất hoạt động trung bình chỉ là 15- 20% (Bảng 2).
- Văn phòng Đà Nẵng sẽ ngừng hoạt động 7 ngày sau khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện bắt đầu từ ngày 16/8/2021. Điều này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ ống nhựa của BMP tại miền Trung Việt Nam trong tháng 8/2021.
Theo Công ty, 240/1.090 công nhân của nhà máy tại miền Nam vẫn làm việc tại chỗ toàn thời gian trong một khu vực cô lập. BMP sẽ lo chỗ ở, chi phí ăn uống và các khoản phụ cấp bổ sung cho những nhân viên này trong suốt thời gian phong tỏa. Tất cả 240 công nhân làm việc tại chỗ này cho đến nay đã được tiêm chủng ít nhất một liều.
Những công nhân khác không ở nhà máy đang nhận mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ, trong khi những nhân viên làm việc tại nhà đang nhận mức lương cơ bản tương đương gấp đôi mức lương tối thiểu.
55% lực lượng lao động của BMP tại miền nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều.
Các vấn đề khác
Để hỗ trợ khách hàng, BMP đã gia hạn số ngày phải thu thêm 15 ngày và giảm tiền phạt cho những khách hàng trễ hạn thanh toán (nếu có).
Công ty đã duy trì chính sách tích trữ tồn kho đầu vào và đang dự trữ từ 1,5 đến 2 tháng nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất. Công ty đã tăng lượng tồn kho thành phẩm để chuẩn bị cho nhu cầu tăng đột biến dự kiến sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu và dự báo
HSC duy trì dự báo doanh thu thuần năm 2021 là 5.103 tỷ đồng (tăng trưởng 8,9%) và lợi nhuận thuần là 313 tỷ đồng (giảm 40,2%). Trong 7 tháng đầu năm 2021, BMP hiện đạt 55,8% dự báo doanh thu năm 2021 của chúng tôi nhưng chỉ đạt 39% dự báo lợi nhuận thuần của chúng tôi; HSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ và doanh thu của BMP sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ.
BMP đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 15 lần và 10.8 lần, tương đương với P/E trượt dự phóng 1 năm là 12,1 lần, cao hơn 15% so với mức bình quân là 10,6 lần (tính từ đầu năm 2017).
Với mức tỷ suất cổ tức, kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong Q4/2021 và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng sẽ là động lực tăng giá cho cổ phiếu. HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 67.000đ (tiềm năng tăng giá là 16,9%).
Bảng 2: Các nhà máy và tình trạng hoạt động, BMP
Bảng 3: Số công nhân làm việc tịa nhà máy, BMP
Nguồn: HSC