I. Nhận định thị trường
Vnindex giảm với giá trị giao dịch vẫn thấp hơn bình quân gần đây. Độ rộng thị trường cũng thu hẹp lại với 18 mã tăng trần và 21 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của nhà đầu tư nước ngoài giảm và khối này bán ròng đáng kể. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra kém sôi động hơn với giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở các mã GEX & FPT; giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở mã SAM.
Khối ngoại tích cực mua HPG; FPT và E1VFVN30. Đồng thời tích cực bán MSN và VRE.
- Các mã ngân hàng nhìn chung giảm, ngoại trừ ACB và HDB tăng.
- Các mã tài chính phi ngân hàng biến động trái chiều với SSI và VCI tăng trong khi HCM và VND giảm.
- Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ biến động trái chiều và tăng, dẫn đầu là KDC và BHN.
- Cổ phiếu ngành công nghệ biến động trái chiều với YEG tăng trong khi FPT đóng cửa tại tham chiếu.
- Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều với HHS và AAA tăng trong khi DRC và BMP giảm.
- Cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm, dẫn đầu là PXS và PLX.
- Cổ phiếu BĐS và xây dựng biến động trái chiều với DXG và DIG tăng trong khi SJS và VHM giảm.
- Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều và tăng, dẫn đầu là HNG và HAG.
- Cổ phiếu ngành dược lình xình.
- Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic biến động trái chiều và giảm, dẫn đầu là GMD và NT2.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhẹ sau khi tăng gần đây. VHM; VRE và VIC là những mã đóng góp nhiều nhất vào sự giảm điểm của index. Cổ phiếu ngân hàng như VCB; CTG và VPB cũng giảm. Các mã ngành tài nguyên GAS & PLX giảm sau khi tăng gần đây trong bối cảnh giá dầu lình xình. HPG cũng giảm sau khi tăng gần đây. Trong khi đó VNM tiếp tục giảm.
Các mã ngành bia SAB và BHN tăng. Mã ngành hàng tiêu dùng KDC cũng tăng. HDB là mã ngân hàng hiếm hoi tăng. DXG cũng tăng tốt, có lẽ nhờ mã ngành môi giới BĐS CRE sắp niêm yết. YEG cũng tăng phiên thứ hai liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh nhẹ sau khi tăng gần đây trong cùng xu hướng giảm của thị trường khu vực. Điều này cũng cho thấy vùng 990-995 là vùng kháng cự ở mức vừa phải. Áp lực chốt lời không lớn và nhà đầu tư đã mua vào ở vùng giá thấp. Khối ngoại đã bán ròng trên cả 2 sàn phiên hôm nay.
Hợp đồng tương lai 4 kỳ hạn giảm ít hơn mức giảm của chỉ số cơ sở VN30 và đóng cửa chỉ thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 một chút. Hợp đồng kỳ hạn dài đóng cửa cao hơn kỳ hạn ngắn. Đây nói chung là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ và tâm lý nhà đầu tư vẫn khá vững.
Thị trường sẽ vẫn hướng tới nỗ lực kiểm định đường MA 200 ngày trong những ngày tới. Và đây vẫn là quan điểm chính của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi không chắc liệu Vnindex có thành công trong lần kiểm định đầu tiên hay không. Một lý do ở đây là chúng tôi tin rằng áp lực từ rủi ro leo thang tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể sẽ dần tăng trở lại từ tuần sau.
II.Tin vĩ mô
1.Tin vĩ mô trong nước
CPI tháng 8 tăng 0,45% so với tháng liền trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Trước mắt xu hướng lạm phát đã ổn định trở lại – Tổng cục thống kê hôm nay công bố CPI tháng 8 tăng vừa phải, tăng 0,45% so với tháng liền trước, tăng 2,59% so với đầu năm và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Xu hướng tăng CPI so với cùng kỳ đã dịu xuống sau khi đạt mức đỉnh là tăng 4,67% so với cùng kỳ trong tháng 6.
Những động lực chính khiến CPI tăng so với tháng liền trước trong tháng 8 gồm:
- Giá thịt lợn tăng 3,41% so với tháng liền trước trên mặt bằng giá thấp, nguồn cung tiếp tục kém và ảnh hưởng của thời tiết xấu. Theo đó giá thịt lợn chế biến cũng tăng.
- Mưa lớn và lũ lụt đã khiến giá rau xanh tăng 2,78% so với tháng liền trước.
- Giá gas tăng 2,8% so với tháng liền trước do xu hướng tăng của giá thế giới.
- Giá phôi thép cũng tăng với cùng lý do như trên.
- Đã có 14 tỉnh thành nâng học phí theo lộ trình theo Nghị định 86/2015/NĐ-TT.
So với tháng liền trước, có 10 trong số 11 mặt hàng tăng và chỉ có 1 mặt hàng giảm. Cụ thể:
Nhóm hàng lương thực & thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng 0,87% so với tháng liền trước – Trong đó, lương thực tăng nhẹ 0,1% so với tháng liền trước do giá gạo tăng nhẹ 0,05% so với tháng liền trước. Bên cạnh đó, nhóm hàng thực phẩm cũng tăng 1,12% so với tháng liền trước chủ yếu là do giá thịt lợn tăng đồng thời giá thức ăn đã chế biến, thịt gia cầm, trứng, hải sản và rau củ tiếp tục tăng. Do nguồn cung thiếu hụt bởi ảnh hưởng thời tiết. Tiếp đó, nhóm hàng ăn ngoài tăng 0,63%.
Nhóm giáo dục tăng 0,46% so với tháng liền trước – 14 tỉnh/thành đã thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 86/2015/ND-TT. Hơn nữa, năm học mới bắt đầu kéo theo sự tăng giá của đồ dùng văn phòng phẩm.
Nhóm nhà ở & vật liệu xây dựng tăng 0,44% – Giá vật liệu xây dựng tăng 0,42% do giá phôi thép tăng và nhu cầu lớn đối với điện nước. Chúng tôi cũng lưu ý giá khí hóa lỏng và dầu diesel tăng đồng thời giá thuê nhà cũng tăng.
Lạm phát cốt lõi vẫn tăng rất khiêm tốn – Không bao gồm lương thực & thực phẩm, năng lượng và dịch vụ do nhà nước quản lý, CPI cốt lõi tăng 0,22% so với tháng liền trước hay tăng 1,54% so với cùng kỳ và cũng tăng 1,38% so với đầu năm.
Tỷ giá khá ổn định gần đây – Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đóng cửa hôm nay tại 23.295, tăng 0,02% so với đầu tháng và tăng 2,56% so với đầu năm nay. Trong khi đó, tỷ giá thị trường tự do là 23.500, tăng 0,3% so với đầu tháng và tăng 3,45% so với đầu năm. Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ vào khoảng 23.300 vào cuối năm nay với giả định chỉ số DXY dưới 95, và tỷ giá tăng vượt 23.500 nếu chỉ số DXY bứt phá trên 97.
Thị trường chứng khoán châu Á & các đồng tiền chính – Thị trường chứng khoán Châu Á biến động trái chiều hôm nay khi thị trường Phố Wall tăng nhẹ vào hôm thứ 3. Về các đồng tiền, đồng USD mạnh lên một chút hôm nay so với giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại (chỉ số đô la ICE ở vào 94,813). So với đồng USD, đồng Euro yếu đi (tỷ giá EUR/USD ở vào 1,1674); đồng Bảng Anh mạnh lên (tỷ giá GBP/USD ở vào 1,2883); đồng Yên ít biến động (tỷ giá USD/JPY ở vào 111,20); trong khi đó đồng NDT yếu đi (tỷ giá USD/CNY ở vào 6,8231).
Giá dầu dao động trong biên động hẹp – Giá dầu gần như không đổi sau biến động đêm qua với giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai ở vào 68,53 USD/thùng vào cuối thời gian giao dịch trên thị trường châu Á. Theo ước tính của API, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng nhẹ.
API công bố ước tính về tồn kho dầu vào đêm qua, cụ thể tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 38.000 thùng lên 405,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/8. Trong khi đó tồn kho dầu trong tuần trước giảm mạnh và do đó xu hướng tăng của tuần này được xem là trung lập.
Theo báo cáo của Thomson Reuters Eikon, khối lượng dầu thô và dầu ngưng tụ của Iran trong tháng 8 ước tính là 2,06 triệu thùng/ngày, so với mức đỉnh điểm 3,09 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và giảm mạnh so với ước tính của tháng 7. Điều này cho thấy anh hưởng của các lệnh trừng phạt sắp tới do một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã bắt đầu giảm nhập khẩu dầu từ Iran.
Mặt khác, theo báo cáo công bố gần đây của Bank of America Merrill Lynch, nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm nay do tình trạng gián đoạn sản xuất không còn đồng thời nguồn cung mới từ Canada, Brazil và Mỹ đi vào khai thác. Và báo cáo đi đến kết luận các yếu tố trên sẽ kiềm chế sự gia tăng của giá dầu. Vấn đề đặt ra đối với những phân tích như thế này là có rất nhiều biến số tác động. Một biến số quan trọng là giả định về mức độ suy giảm của xuất khẩu dầu từ Iran trong 2 tháng tới. Chưa kể Venezuela. Theo chúng tôi cách hiểu tốt nhất ở đây là giá dầu có thể sẽ tăng khiêm tốn trong thời gian từ nay đến cuối năm.
2.Tin vĩ mô thế giới
Sau một hai ngày lạc quan trước thông tin về thỏa thuận thương mại giữa Mexico và Mỹ, thị trường chứng khoán thế giới hôm nay đã nhận ra rằng thời hạn chót lấy ý kiến về quyết định đánh thuế đợt kế tiếp của Tổng thống Donald Trump (quy mô 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ) sắp đến (ngày 5/9).
Ngoài ra, phát biểu của Tổng thống Trump trước các phóng viên vào cuối tuần cho thấy không có nhiều hy vọng sẽ có các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc sau cuộc gặp cấp trung giữa hai bên diễn ra vào tuần trước. Sau cuộc gặp trên, đêm qua Nhà Trắng đã cho biết Mỹ muốn hoàn thành đàm phán NAFTA trước khi tập trung vào đàm phán với Trung Quốc. Do (1) các cuộc đàm phán cam go với Canada vẫn còn ở phía trước và (2) kết quả đàm phán cần được Quốc hội thông qua, nên quá trình này có thể sẽ mất hàng tháng. Nói cách khác chính sách của Mỹ đối với đàm phán NAFTA và tranh chấp thương mại Trung – Mỹ là khác nhau. Và tiến triển ở một vấn đề không dẫn đến tiến triển ở vấn đề còn lại. Mà thậm chí còn có tác động ngược.
Những đồng tiền dễ tổn thương của các nền kinh tế mới nổi đã quay lại xu hướng mất giá so với đồng USD đêm qua. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm tiếp 2,69% so với đồng USD sau khi đã giảm 2% vào hôm thứ 2. Trong khi đó đồng peso của Argentina giảm so với đồng USD và lập đáy mới vào hôm qua. Nếu nhìn vào xu hướng yếu đi của đồng USD so với hầu hết các đồng tiền lớn khác trong những ngày gần đây thì những diễn biến trên là rất đáng chú ý. Cho thấy những vấn đề cơ cấu mà Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina phải đối mặt vẫn hiện hữu.
Tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board đã công bố số liệu hàng tháng về niềm tin tiêu dùng với chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng 5,5 điểm trong tháng 8 lên 133,4 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2000 nhờ quan điểm tích cực về thị trường lao động. Hầu hết các nhà quan sát kỳ vọng GDP Q3 của Mỹ sẽ tăng trưởng kém hơn Q2 do tác động cắt giảm thuế bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên do chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả tăng tốc, nên trước mắt xu hướng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Mỹ có vẻ sẽ còn tiếp diễn.
Nguồn: HSC